Sản xuất thông minh: Xu thế tất yếu của kinh tế châu Á

Cập nhật: 26-11-2018 | 08:30:14

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh (SXTM) đang phát triển rầm rộ và trở thành một xu thế tất yếu tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

 Toàn cảnh phiên đối thoại với chủ đề “Công nghiệp châu Á: Hướng tới sản xuất thông minh”. Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Công nghiệp 4.0 tạo sự thay đổi mạnh mẽ

Tại diễn đàn “Công nghiệp châu Á: Hướng tới SXTM”, trong khuôn khổ Horasis 2018, các chuyên gia và các nhà kinh tế nhận định, cuộc CMCN 4.0 sẽ tiếp tục tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Sự ra đời của hàng loạt công nghệ số hóa như kết nối internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (Al) hay điện toán đám mây (Cloud computing)… của CMCN 4.0 đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt, đó là SXTM (Smart manufacturing).

Theo các chuyên gia, SXTM bao hàm việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. Trong SXTM, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị cảm biến. Bởi vậy, các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất trong một hay thậm chí nhiều nhà máy, nhiều công ty. Hiện SXTM đang ngày càng được ứng dụng và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Hiện nay, tại châu Á đã xuất hiện các nhà máy thông minh với những công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Do đó, nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa; trong điều kiện này đòi hỏi phải có chính sách bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, các hoạt động tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới.

Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống. Có thể thấy, SXTM ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống SXTM hơn. SXTM tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp.

Tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức

Đối với Việt Nam, việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó SXTM được coi là yếu tố quan trọng. Theo nhận định của các chuyên gia, CMCN 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, khi mô hình nhà máy thông minh là tương lai của ngành sản xuất trong thời kỳ CMCN 4.0 và Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam có vị trí khá tốt về năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể là Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, có nhu cầu sử dụng công nghệ cao, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cách thức kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ phát triển... Đây là các nền tảng sẽ hỗ trợ mức độ sẵn sàng với tương lai của nền SXTM. Tuy nhiên, Việt Nam đang được xếp hạng ở giai đoạn sơ khai về tiêu chí động lực của tương lai sản xuất, dù cao hơn Indonesia, Campuchia nhưng lại đi sau Thái Lan, Ấn Độ, Philippines...

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có phân tích đánh giá những tiềm năng lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và xu hướng công nghệ mới; phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản trị rủi ro khi hầu hết các khâu của quá trình sản xuất

 đều được tự động hóa... Đặc biệt, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; cụ thể là việc tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Việt Nam cũng cần hoàn thiện mạng kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất…

 “Hai ngày diễn ra của Horasis 2018 sẽ đưa Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung lên bản đồ đầu tư và kinh doanh thế giới. Nói về sự thành công của hội nghị này, chúng tôi sẽ nói với những người tham dự rằng sự tham gia đông đảo của các diễn giả, nhà kinh tế, doanh nghiệp sẽ là sự thành công lớn. Sau đó chúng tôi hy vọng các công ty sẽ ký các thỏa thuận kinh doanh. Tôi tin rằng, nhiều thỏa thuận sẽ được ký giữa các công ty Việt Nam và nước ngoài tại diễn đàn lần này. Khi Horasis 2018 kết thúc, tôi muốn thấy đại gia đình Horasis sẽ ăn mừng thành công chung và tạo cảm hứng cho tương lai thành công với tất cả những người tham dự diễn đàn lần này”.

(Ông Frank Jurgen Richter, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Horasis)

“Muốn phát triển SXTM, cần chú trọng kết hợp giữa nguyên vật liệu, con người, giá cả sản phẩm, công nghệ… Đặc biệt yếu tố công nghệ là yếu tố quan trọng nhất. Và muốn phát triển công nghệ thì phải biết kế thừa thành quả của các nước tiên tiến, theo đuổi và đón đầu xu hướng phát triển của công nghệ. Đối với Việt Nam, để phát triển SXTM cần đón đầu xu hướng công nghệ thay bị động và đầu tư dàn trải, đặc biệt là chú trọng yếu tố con người trong thế chủ động”

(Ông Prasoon Agrawal, Giám đốc Công ty Tư vấn, Phát triển linh kiện ô tô Dr Wheelz (Ấn Độ))

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=917
Quay lên trên