Sự thay đổi tích cực

Cập nhật: 04-01-2014 | 00:00:00

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp báo công bố 2 phương án dự kiến thay đổi cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và giải đáp nhiều thắc mắc liên quan.

Theo đó, 2 phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT gồm: Phương án thứ nhất, thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn. Hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.

Phương án thứ hai, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình hiện hành và thí sinh hệ giáo dục từ xa được lựa chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử sao cho không trùng 2 môn tự chọn. Các môn Toán, Văn, Địa, Sử sẽ thi tự luận, Lý, Hóa, Sinh trắc nghiệm, Ngoại ngữ có cả hai phần thi trắc nghiệm và viết luận.

Được biết qua thảo luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêng về phương án thứ nhất, bởi phương án thứ hai đã lạc hậu. Nếu có sự đồng tình của dư luận thì phương án này có thể áp dụng được ngay trong năm 2014 vì thời gian từ nay đến khi thi tốt nghiệp còn dài. Bộ sẽ tiếp nhận ý kiến đến tháng 3, sau đó quyết định và ban hành quy chế. Đề thi nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng đã được học nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến thí sinh.

Phương án tốt nghiệp 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, bảo đảm đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để bộ và các trường triển khai giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy theo đề án Ngoại ngữ 2020. Còn phương án hai bắt buộc tất cả học sinh phải học Ngoại ngữ, số môn tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi Ngoại ngữ đã lạc hậu.

Việc đề xuất thay đổi 2 phương án thi tốt nghiệp theo hướng gọn, nhẹ nói trên bước đầu đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng Ngoại ngữ được coi là môn rất quan trọng để nhân lực Việt Nam thành nhân lực toàn cầu, nhưng không được lựa chọn là môn thi bắt buộc hay lựa chọn mà lại là môn cộng điểm; học sinh học rất nhiều môn nhưng khi thi lại bỏ qua những môn rất quan trọng như Giáo dục công dân, chỉ thi 4 môn dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch; việc miễn thi cho 20% học sinh có học lực, hạnh kiểm tốt có thể làm nảy sinh tiêu cực… Nhưng phải nhìn nhận rằng thực hiện thi theo 1 trong 2 phương án trên bảo đảm gọn nhẹ, thực chất hơn. Các trường sẽ phải điều chỉnh cách dạy và học để phù hợp với cách thi tốt nghiệp mới, trong đó có việc miễn thi cho 20% học sinh.

Để đi đến lựa chọn phương án thi tốt nghiệp nào bảo đảm được thực chất, hiệu quả, gon nhẹ hơn… còn chờ sự góp ý của cộng đồng xã hội. Song, điều ai cũng muốn hướng đến là giáo dục của chúng ta làm sao phải giảm tải, giảm áp lực cho con em… mà chất lượng đầu ra vẫn được bảo đảm và ngày càng nâng cao để đáp ứng được nguồn nhân lực cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm tới đây!

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên