Tái lập toàn cầu hóa thương mại: Đổi mới công nghệ, tăng tính kết nối

Cập nhật: 25-11-2019 | 08:57:53

Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis 2019 diễn ra nhiều phiên cập nhật và phiên toàn thể, trong đó có phiên Tái lập toàn cầu hóa thương mại. Ông John Wet, Giám đốc điều hành, Viện Thế kỷ châu Á (Úc), chủ trì phiên họp.

 Ông Dacid Morris phát biểu tại phiên họp . Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tại phiên họp, các thành viên đã thảo luận về vấn đề hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu đang bị tấn công; thế giới bên bờ vực của chiến tranh thương mại hay có thể thương mại tự do như một mô hình tiếp tục… Nhiều giải pháp đã được đưa ra để góp phần tái lập toàn cầu hóa thương mại, trong đó các thành viên đã thảo luận nhiều về nền kinh tế thương mại của Việt Nam.

Ông John Wet cho biết yếu tố chính trong giao dịch thương mại toàn cầu là đổi mới về công nghệ, kỹ thuật; có những ý tưởng sáng tạo, công nghệ mới, sản phẩm mới. Ông rất ấn tượng khi được ghé thăm vườn ươm doanh nghiệp của trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Vườn ươm doanh nghiệp là một mô hình đã và đang rất thành công tại những nền kinh tế phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Vườn ươm doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tích cực để nuôi dưỡng những ý tưởng mới, sáng tạo, những sản phẩm mới, đổi mới công nghiệp tạo điều kiện cho những ý tưởng mới lạ thành hiện thực.

Đưa ra giải pháp để thúc đẩy thương mại châu Á và thế giới, ông Dacid Morris, Chủ tịch Diễn đàn thương mại châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (Thái Lan), cho biết chiến tranh thương mại không phải là giải pháp mà các nền kinh tế thương mại phải mở rộng và giao thương. Nước Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn vì Mỹ có nền kinh tế đứng đầu thế giới trải qua nhiều thập niên qua. Nền kinh tế khủng toàn cầu này đang gặp thách thức từ nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc.

Trung Quốc không có nhận định giá trị và hệ thống chính trị giống như Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang gặp khó khăn từ cuộc chiến tranh này nên bài học từ cuộc chiến tranh thương mại cho tất cả chúng ta là làm sao để thích ứng với nền thương mại toàn cầu, giao lưu, kết nối với các nền thương mại trên thế giới. Chúng ta phải chung sống trong hòa bình.

Theo ông Morris, chúng ta phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để giao dịch toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Châu Á nên phát huy những thế mạnh và những thành tựu đã và đang đạt được. Các yếu tố then chốt là nâng cao năng lực, tăng tính kết nối như về hạ tầng, phương tiện vận chuyển để giúp chúng ta đưa sản phẩm ra khắp thế giới. Việt Nam đang rất thuận lợi để mở cửa đến nền kinh tế thế giới.

Thế hệ trẻ của Việt Nam đang có những kỹ năng chuyên nghiệp và am hiểu kiến thức để gia nhập với nền thương mại toàn cầu. Nhìn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam có thể hưởng lợi trong chiến tranh thương mại đó. Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Bình Dương là tỉnh đang có những bước vươn mình, ngày càng khẳng định hình ảnh, thương hiệu trên trường quốc tế. Việc thành lập Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương là bước đi rất thông minh của Bình Dương. Để tận dụng xu hướng thương mại toàn cầu hóa này thì chính sách mở cửa của nền kinh tế Việt Nam sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế”.
(Ông Dacid Morris, Chủ tịch Diễn đàn thương mại châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc)

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết
Tags
Horasis

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=403
Quay lên trên