Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật: 28-10-2019 | 09:41:15

 Những năm qua, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được xã hội quan tâm và hưởng ứng. Qua đó, nhiều LĐNT đã hăng hái tham gia các khóa học. Đây chính là điều kiện để LĐNT có cơ hội được rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một ngành nghề thực thụ, có thể tự tạo dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo nghề lái xe nâng cho lao động nông thôn

 Đẩy mạnh đào tạo nghề

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của LĐNT, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh năm 2019. Sau khi kế hoạch năm được phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng triển khai toàn bộ nội dung cần thực hiện đến các ngành từ cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ sở dạy nghề có liên quan; đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản liên tịch về việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2019.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người LĐNT đi học nghề như: Người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của từng đối tượng, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được hỗ trợ vay vốn để học nghề theo quy định hiện hành...

Đến nay, đề án đã được triển khai ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đạt kết quả đáng khích lệ. Trong 9 tháng năm 2019, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã mở 57 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, tuyển sinh được 1.433 học viên; trong đó 8 lớp thuộc nghề nông nghiệp (192 học viên), 49 lớp thuộc nghề phi nông nghiệp (1.241 học viên).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết trong 9 tháng năm 2019, trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố và các địa phương để thực hiện công tác đào tạo nghề theo đề án dạy nghề cho LĐNT của tỉnh. Với sự hỗ trợ của các địa phương, trung tâm đã tổ chức giảng dạy 11 lớp dạy nghề cho LĐNT. Các ngành nghề đào tạo đã bám sát với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tạo việc làm tại chỗ cho lao động

Với mục tiêu chủ yếu của công tác đào tạo nghề cho LĐNT là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng, gồm một số ngành nghề như: May công nghiệp, may gia dụng, thiết kế tạo mẫu tóc, lái xe nâng hàng, nấu ăn đãi tiệc… Thông qua các lớp học nghề, người học được trang bị những kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân và gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Hiện tại, trên địa bàn các huyện, thị, thành phố nhiều người sau khi được học các nghề phi nông nghiệp đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn của huyện, thị, thành phố hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Cũng nhiều người sau khi được học nghề đã tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Thay đổi nhận thức của người nông dân

Trong thời gian thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.

Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” được bắt đầu từ năm 2009 đến 2020. Đối tượng là phụ nữ, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật và người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù, thanh niên sau cai nghiện, người lao động đang làm việc tại lò gạch cần chuyển đổi nghề.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tại huyện Phú Giáo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện luôn chủ động phối hợp cùng các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chế độ đào tạo nghề cho LĐNT, cũng như các ngành nghề đào tạo giúp cho lao động chủ động nắm bắt, tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp trước khi tham gia học nghề. Kết quả trong 9 tháng năm 2019, huyện đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề với 286 học viên tham gia học nghề.

Tại huyện Dầu Tiếng, chính quyền địa phương đã xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tổ chức 14 lớp đào tạo nghề với 385 học viên tham gia học nghề đăng ký năm 2019.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề LĐNT ngày càng được nhiều người dân hưởng ứng tham gia nhiệt tình, các học viên sau khi tham gia học nghề tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, có thu nhập cao và ổn định cuộc sống. Thời gian tới, với những kết quả đã đạt được và sự vào cuộc của các cấp, ngành, Bình Dương sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực nông thôn, đáp ứng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, phát trển kinh tế - xã hội và cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=981
Quay lên trên