Tạo ra làn sóng kinh doanh mới

Cập nhật: 27-11-2018 | 07:43:34

Sáng qua (26-11), tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2018 đã diễn ra 3 phiên đối thoại về trao quyền cho làn sóng trẻ; tái kích thích các doanh nghiệp siêu nhỏ; hành động trước sự biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Vấn đề lực lượng dân số trẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao… đã được các diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại phiên họp.

 Đại biểu phát biểu tại phiên đối thoại với chủ đề “Trao quyền cho làn sóng trẻ”. Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Thúc đẩy hiện thực hóa giấc mơ của giới trẻ

Tại phiên họp Trao quyền cho làn sóng trẻ, các diễn giả đã tập trung thảo luận về vấn đề các quốc gia châu Á có lực lượng dân số trẻ, hứa hẹn một sự tiếp nhận mạnh mẽ xu hướng số hóa, thay đổi chính trị và xã hội.

Các diễn giả đã đặt ra nhiều vấn đề, như làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm tất cả cùng đóng góp nhằm tạo ra sự thành công riêng cho mỗi cá nhân và thành công chung của doanh nghiệp; đâu là những yếu tố thúc đẩy hiện thực hóa giấc mơ của giới trẻ, đâu là những cạm bẫy cần tránh?

Bà Nguyễn Diên Hồng Hạnh, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cho biết: “Cách mới để các bạn trẻ có thể kết nối với phương thức kinh doanh các công ty lớn thế nào và trong môi trường kinh doanh của mình thì cần có ứng dụng công nghệ ra sao; trong môi trường giáo dục cần có cách dạy mới, cách học mới, định hướng giáo dục tốt hơn cho các bạn sinh viên cũng như các bạn trẻ. Các bạn trẻ có nhiều ý tưởng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm nên cần kết nối để ý tưởng được thực hiện tốt nhất. Giới trẻ hiện có sức cạnh tranh rất lớn và có nhiều thông tin mới hơn cách truyền thống, có nhiều tư duy và sáng tạo. Vấn đề là các bạn trẻ kết nối như thế nào để những người đi trước cũng có thể kết nối được và mang lại lợi ích”.

Tái kích thích các doanh nghiệp siêu nhỏ

Tại phiên họp Tái kích thích các doanh nghiệp siêu nhỏ, các diễn giả thảo luận vấn đề hiện các tổ chức tài chính vi mô và các ngân hàng phát triển cộng đồng đã tạo ra một làn sóng kinh doanh mới ở châu Á. Bên cạnh đó là các vấn đề: Tài chính vi mô hiệu quả như thế nào trong việc giảm nghèo; làm thế nào các tổ chức tài chính vi mô này có thể xây dựng cầu nối với tăng trưởng kinh tế; liệu những phát triển mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có hỗ trợ cho quá trình tiến triển này?

Tại phiên họp, theo tiến sĩ Juneja, Chủ tịch Global Projects and Services. Ltd (Ấn Độ), doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung phát triển ý tưởng, phát triển chiến lược. Thực tế cho thấy, nguồn vốn không quan trọng bằng sự liên kết để phát triển. Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Bình Dương - khách mời tham dự phiên họp, cho biết: “Thông qua hội thảo này, tôi thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của các giám đốc điều hành quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam có sự khác biệt nhất định. Cụ thể là các giám đốc điều hành quốc tế tập trung về tư duy, ý tưởng, về công nghệ, còn chúng ta phải suy nghĩ về vốn và phải làm như thế nào. Qua phiên họp, theo tôi để khởi nghiệp trước hết chúng ta phải tìm hiểu về ngành nghề mình khởi nghiệp; cần tập trung vào thế mạnh của chúng ta; phải không ngừng xúc tiến tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm của các bậc đi trước”.

Ông Nghĩa cho biết thêm, hiện nay về cơ bản chúng ta làm theo ý thích và chưa có chiến lược cũng như tầm nhìn rõ ràng về khởi nghiệp. Trên thực tế, lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội thảo như thế này và cần tổ chức nhiều hơn để các bạn trẻ hiểu hơn thế nào là nguồn vốn công nghệ và nguồn vốn về tài chính. Chúng ta phải đi về chiều sâu hơn và biết chọn lọc đối tượng khởi nghiệp; thực tế hiện nay chúng ta đang làm trên diện rộng, nên tập trung phân khúc. Hiện nay, có thể tinh thần khởi nghiêp của Bình Dương rất tốt về tư duy, tầm nhìn, chúng ta cần có sự đào tạo chuyên sâu hơn cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Điểm chung của phiên thảo luận nói trên là đóng góp tích cực của cộng dồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nên cần được các quốc gia, các ngành quan tâm tạo thuận lợi, tiếp cận công nghệ để phát triển.

 Giải pháp cho sự biến đổi khí hậu

Tại phiên họp Hành động trước sự biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng, các diễn giả đề cập vấn đề các vùng đất thấp dưới mực nước biển có nguy cơ lũ lụt: dân cư quốc đảo và các quốc gia đông dân đang đối mặt nhiều nguy cơ khi mực nước biển dâng cao. Bà Lê Thị Thanh Thiện, trường Đại học Quốc tế miền Đông, nói: “Tham dự hội thảo tôi thấy các diễn giả đã trao đổi về sự biến đổi khí hậu của dòng sông Mê Kông, phân tích rất nhiều ý lưu tâm về vấn đề môi trường. Trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải ra môi trường, phải biết thích ứng với môi trường và phải dạy cho trẻ em hiểu về thiên nhiên là gì, phải biết bảo vệ môi trường… là những vấn đề được các diễn giả quan tâm nhiều nhất”.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên