Thống nhất là ý chí của Hồ Chí Minh

Cập nhật: 20-07-2024 | 09:40:41

Năm 2014, theo lời của Tổng Cục Du lịch Thụy Sĩ, tôi và nhà báo Nhật Hân đến thăm đất nước của những chiếc đồng hồ cổ nổi tiếng. Trong những ngày ở đất nước Thụy Sĩ, cũng là quê hương của phong trào nhân đạo quốc tế với biểu trưng là lá cờ trắng chữ thập đỏ do một người Thụy Sĩ tên Jean Henry Dunant sáng lập, chúng tôi có dịp đến thăm tòa nhà Liên hiệp quốc, tọa lạc tại địa chỉ: Palais des Nation 8, Av de Lapaix 14, 1211 Genève, cạnh hồ Lac Lemen thơ mộng và lớn nhất ở xứ sở của những ngôi nhà cổ tích nằm trên núi cao hoặc ven hồ xanh thẳm…


Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Đứng ở quảng trường Liên hiệp quốc, nơi có chiếc ghế ba chân cao hơn 10m với thông điệp: “Không có bom mìn sát thương sẽ không có cảnh này!”, tôi ngắm tòa nhà Liên hiệp quốc là một tòa phức hợp đứng thứ hai ở châu Âu sau cung điện Versailles ở Pháp (về độ nguy nga), là trụ sở lớn thứ hai của Liên hiệp quốc, sau trụ sở chính ở quận Mahatan (Hoa Kỳ).

Đứng trước cổng ngắm lá quốc kỳ Việt Nam được treo ở cột cờ thứ tám, nhìn từ phía bên trái, nếu tính từ cổng chính đi vào trong, tôi bâng khuâng nhớ hai người Việt Nam đã từng đặt những bước chân Lạc Việt vào chỗ trang trọng này nửa thế kỷ trước. Hai người đó là ông Phạm Văn Đồng và Trần Văn Đỗ. Cả hai ông đều xuất thân từ gia đình trí thức theo Tây học, rất am hiểu văn hóa và văn minh Pháp. Nhưng hai ông có tư duy và nhận thức khác nhau về thời cuộc, về xu thế phát triển của dân tộc, thời đại nên họ đi theo những ngã rẽ khác nhau trong dòng chảy của lịch sử; đã bước qua cánh cổng và đi vào phòng họp hội nghị lập lại hòa bình ở Đông Dương bên trong tòa nhà Liên hiệp quốc ở Genève (Thụy Sĩ).

Ông Phạm Văn Đồng với tư cách là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Genève với tư thế chính nghĩa của Việt Minh. Với thế thắng lợi trong Chiến dịch đông xuân 1953-1954 và tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp vừa bị thất thủ nên ông Đồng đưa ra lập trường 8 điểm rất quan trọng. Còn ông Trần Văn Đỗ thay ông Quốc Thịnh làm ngoại trưởng đại diện cho Chính phủ quốc gia Việt Nam do ông Bảo Đại làm quốc trưởng, ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, không có gì mang theo để mạnh miệng ăn nói, mặc cả - mà nếu có chăng, thì đó là tâm trạng mặc cảm là người đại diện cho một chính phủ bù nhìn, ly khai do Pháp dựng lên để đối kháng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một chính phủ chính danh do Quốc hội bầu ra. Cho nên, phái đoàn quốc gia Việt Nam do ông Trần Văn Đỗ dẫn đầu đến Genève chỉ “ngồi cho có tụ”, chứ không được phát biểu gì cả, bởi mọi thứ, phái đoàn của Pháp do Ngoại trưởng Bidault đã phát biểu thay hết cả rồi. Nên sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ở miền Nam, ông Ngô Đình Diệm cho treo cờ tang trên toàn lãnh thổ; còn ở Genève, ông Trần Văn Đỗ đã khóc. Không biết ông ấy khóc vì ấm ức bởi thái độ kẻ cả của Pháp hay đất nước bị “chia cắt” như ông ấy nói.

Thấy ông Trần Văn Đỗ khóc quá tội nghiệp, ông Phạm Văn Đồng đã an ủi: “Những ai yêu nước Việt Nam, những ai yêu sự thống nhất của nước Việt Nam thì không cần phải khóc hôm nay. Hãy thực hiện những gì đã ký kết hôm nay thì hai năm nữa sẽ có một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình và giàu mạnh. Những gì mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm trong những năm qua là vì mục đích đó. Nước mắt của chúng tôi đổ ra vì sự nghiệp đó nhiều hơn rất nhiều so với những giọt lệ mà quý vị nhỏ ra ở đây”.

Lời an ủi của ông Phạm Văn Đồng dành cho ông Trần Văn Đỗ cũng là lời nhắc nhở đối với chính giới Hoa Kỳ và ông Ngô Đình Diệm là sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến tạm thời để chuyển quân và hai năm sau, ngày 20-7-1956 sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước nên họ cần nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Genève như đã tuyên bố trong thông cáo để có một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình…

Nhưng tiếc rằng, do lệ thuộc quá nhiều vào ý chí chiến lược của Hoa Kỳ và Chính phủ Ngô Đình Diệm, trong đó có ông Trần Văn Đỗ, đã cố tình phá hoại Hiệp định Genève; mặc dù ông Phạm Văn Đồng đã nhiều lần có công hàm đề nghị ông Ngô Đình Diệm tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử nhưng đều bị phía miền Nam từ chối, mặc cho ý nguyện của nhân dân mong muốn tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Người Mỹ và chính phủ của ông Ngô Đình Diệm rất sợ tổng tuyển cử, vì tổng tuyển cử họ sẽ bị thất bại thảm hại trước uy tín của Chính phủ Hồ Chí Minh - người Mỹ đã nói với Chính phủ Ngô Đình Diệm như vậy.

Do đó, nhiệm vụ thống nhất Tổ quốc đã được lịch sử đặt trên vai Hồ Chí Minh. Và, bằng sự mẫn cảm đầy khát vọng từ trái tim, Bác Hồ đã phát biểu như một nhà tiên tri trong diễn văn kỷ niệm Quốc khánh năm 1960: “Chúng ta xin gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và xin hứa rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum hợp một nhà”. Còn trong di chúc thiêng liêng để lại, Người viết: “Nhân dân ta nhất định thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum hợp một nhà”.

Thực hiện ý nguyện, ý chí và quyết tâm của Người, năm 1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, giang san thu về một mối, Tổ quốc thống nhất sau 21 năm chịu nỗi đau chia cắt do sự phá hoại Hiệp định Genève của Hoa Kỳ và chính quyền Ngô Đình Diệm…

MAI SÔNG BÉ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=74
Quay lên trên