Tiền không thể mua được tất cả!

Cập nhật: 29-11-2013 | 00:00:00

 Không ai có thể phủ nhận rằng trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, tiền giữ vai trò rất quan trọng: thiếu tiền sẽ khiến cuộc sống của chúng ta khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhiều thứ khác về vật chất lẫn tinh thần…, nên nhiều người đã quan niệm rằng “khi có tiền người ta sẽ có tất cả”. Thế nhưng, thực tế cũng đã cho thấy có nhiều thứ quan trọng hơn mà ngay cả khi có tiền tỷ người ta cũng không thể nào mua được, chẳng hạn như danh dự, uy tín, sinh mạng của con người, hạnh phúc của mỗi gia đình…

 Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia bàn bạc, thảo luận một vấn đề vừa mới lạ, vừa tế nhị và cũng chưa đi đến kết luận xoay quanh chuyện có đại biểu đề xuất ý kiến: cho thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 - 25 tuổi, được phép đóng tiền để không phải nhập ngũ… tại cuộc họp bàn để cân nhắc, sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp với thực tế tình hình hiện nay. Theo vị đại biểu Quốc hội này, việc đóng tiền có thể xem là một trong các hình thức “nghĩa vụ thay thế” bên cạnh nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn. “Nghĩa vụ thay thế” được sử dụng khi thanh niên đến tuổi và đủ tiêu chuẩn mà không nhập ngũ.

Đã có nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất trên, vì cho rằng như vậy cũng là cách để bảo đảm công bằng xã hội. Bởi lẽ, mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này nhập ngũ. Chính vì không phải tất cả những thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đều lên đường nhập ngũ, nên cần phải tính toán xem số còn lại phải làm gì. Và đóng tiền cũng là một hình thức để những nam thanh niên ở nhà, phải thực hiện nghĩa vụ nhằm bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc.

Theo đại biểu Quốc hội, trung tướng Trần Văn Độ, không đi nghĩa vụ quân sự thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế ở phía sau, để bảo đảm công bằng. Hoặc lao động công ích, cũng có thể đóng góp bằng tiền, để xây dựng, đầu tư cho nền quốc phòng toàn dân: “Thời đại này không bao giờ đến độ tuổi mà phải đi nghĩa vụ quân sự hết cả. Nhưng đừng đặt vấn đề lựa chọn anh có tiền, anh nộp thì không phải đi. Hiểu như thế là chưa đúng. Hiện chỉ 5% người đi nghĩa vụ quân sự, còn 95% khác thì không làm gì à? Anh không đi nghĩa vụ quân sự được, thì anh phải có nghĩa vụ thay thế ở phía sau. Nhưng nghĩa vụ đầu tiên vẫn phải là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Hai điều này đều là nghĩa vụ chứ không nên đặt vấn đề công dân có quyền lựa chọn một trong hai nghĩa vụ, mà trước hết phải là nghĩa vụ quân sự, xây dựng quân đội chính quy trong thời hiện đại”…

Bên cạnh sự đồng thuận của nhiều người, đề xuất trên khi đưa ra cũng nhận được vô số những ý kiến không đồng thuận, do lo ngại khi cho phép áp dụng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực. Bởi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng của người thanh niên đối với Tổ quốc! Nếu lại thay đổi quy định về Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng cho phép nộp tiền để thay thế là không ổn. Không thể dùng tiền để thay thế nghĩa vụ của thanh niên được, vì thực tế cho thấy ở nhiều địa phương có những thanh niên được gọi nghĩa vụ thì trốn tránh bằng mọi cách. Nếu có quy định đóng tiền để “ở nhà”, không phải vào quân ngũ thì chắc chắn nhiều gia đình, do lo sợ con em nhập ngũ không chịu được gian khổ sẽ lựa chọn cách “đóng tiền” và như vậy lực lượng quân nhân tại ngũ sẽ thiếu trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc những khi cần thiết.

Luật Nghĩa vụ quân sự của chúng ta đã quy định rất chặt chẽ và rõ ràng, mọi công dân đủ tiêu chuẩn đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự, trừ những trường hợp được “tạm hoãn hoặc miễn” theo chính sách. Tuy nhiên, việc hoãn miễn như trên không có nghĩa là công dân thuộc diện này không phải thực hiện nghĩa vụ khi Tổ quốc cần. Tức là, trong thời bình các trường hợp hoãn miễn nghĩa vụ quân sự theo chính sách, thực tế đều nằm trong danh sách “lực lượng dự bị” quân sự, do Ban Chỉ huy quân sự tại địa phương quản lý. Đề phòng khả năng khi Tổ quốc cần, thì có lực lượng sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Do vậy, việc đề xuất ý kiến cho phép đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự, dù được xem là một giải pháp để bảo đảm công bằng, cũng cần phải được nghiên cứu, xem xét thấu đáo!

Có thể hiểu đề xuất sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng cho phép nộp tiền, nhằm bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nhưng sau khi có ý kiến, cho phép dùng tiền để “thay thế nhập ngũ”, thì dư luận và nhân dân đều bày tỏ sự không đồng tình. Bởi lo ngại việc “thay thế nhập ngũ” sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực. Trong đó, mối lo ngại rất lớn về khả năng nhiều gia đình sẽ chọn “giải pháp thay thế” để con em mình không phải đi nghĩa vụ hoặc tạo ra bất bình đẳng về khả năng chỉ con em gia đình nghèo mới phải nhập ngũ…

Xây dựng quân đội trong thời bình cũng có những rủi ro nhất định: Trong huấn luyện, trong tham gia phòng chống lụt bão, thiên tai đều có thể có hy sinh. Bất cứ lực lượng nào trong quân đội cũng phải huấn luyện với chương trình nghiêm túc. “Có nghiêm túc, có gian khổ mới sử dụng vũ khí thành thạo và khi có chiến tranh thì mới đánh được. Ý thức bảo vệ Tổ quốc của mỗi người phải như nhau - đó mới là công bằng”, một đại biểu Quốc hội đã khẳng định như vậy.

VÕ HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên