Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm “thân thiện môi trường” của các doanh nghiệp (DN) sản xuất xanh, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính... Đặc biệt, chủ đề phát triển xanh, thương hiệu xanh gần đây cũng xuất hiện thường xuyên hơn, không chỉ trong môi trường kinh doanh mà còn ở cả cấp độ chiến lược của các quốc gia, ở các diễn đàn thế giới. Có thể nói, tương lai của DN hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược phát triển xanh hay không xanh của mình.
Nhận thức được giá trị của thương hiệu xanh, thời gian qua nhiều DN đã đầu tư công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, thay thế đầu vào để có sản phẩm xanh hơn. Bên cạnh đó, DN còn quan tâm các chiến lược tiếp thị, truyền thông tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường. Gần đây, tại nhiều hội chợ triển lãm, DN cũng đã ưu tiên trưng bày những sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế, thân thiện với người tiêu dùng. Để hỗ trợ DN, một số tỉnh, thành cũng đã tổ chức các không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh... Điều đó cho thấy, đầu tư vào thương hiệu xanh đang là xu thế và cũng là cơ hội cho các DN tạo ra lợi thế cạnh tranh, là sự sống còn của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự phát triển của công nghệ, sự đòi hỏi nhiều hơn của người tiêu dùng về trách nhiệm xã hội của DN.
Để hỗ trợ DN phát triển thương hiệu xanh, nhiều năm qua tỉnh Bình Dương đã có các chương trình, kế hoạch được triển khai. Đơn cử như Sách Xanh Bình Dương được công bố 2 năm một lần, nhằm tôn vinh, khen thưởng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường. Qua đó, nâng cao ý thức của DN về bảo vệ môi trường, lan tỏa và vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh cải tiến kỹ thuật sản xuất, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, có sáng kiến tiết kiệm năng lượng, tái chế sử dụng chất thải. Hay như trong Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, Bình Dương cũng đặt mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính.
Nổi bật về phát triển xanh của Bình Dương thời gian qua là việc xây dựng KCN xanh - VSIP 3. Một KCN được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh, trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững nhất tại Việt Nam. Cũng từ đó, Tập đoàn Lego (Đan Mạch), một thương hiệu toàn cầu đầu tư tại đây đã cam kết xây dựng nhà máy sản xuất sẽ là nhà máy xanh, bền vững nhất trên thế giới về mặt thiết kế, xây dựng và sẽ được vận hành với trang thiết bị hiện đại. Không những thế, tỉnh cũng đã và đang tiếp tục phát triển các KCN theo mô hình xanh để thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu xanh...
Trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới và xu hướng tiêu dùng dịch chuyển, sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế để giúp DN nâng cao thương hiệu, thu hút người tiêu dùng. Đây cũng chính là chìa khóa để DN tham gia vào sân chơi toàn cầu khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
K.TÂN