Tưởng niệm các nạn nhân của vụ quân đội Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. (Nguồn: DPA)
Ngày 6/8, Nhật Bản tổ chức hoạt động tưởng niệm 73 năm ngày quân đội Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng, biến ngày 6/8/1945 trở thành ngày tang thương nhất trong lịch sử quốc gia này cũng như toàn nhân loại.
Tham dự lễ tưởng niệm năm nay có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đại diện của 85 quốc gia trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU).
Sự kiện năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, Mỹ cử Đại sứ tại Nhật Bản tới tham dự.
Những người tham dự buổi lễ tưởng niệm tại Công viên Hòa bình ở Hiroshima đã dành 1 phút mặc niệm vào khoảng 8 giờ 15 sáng 6/8, thời điểm cách đây 73 năm, quả bom nguyên tử "Little Boy" mà quân đội Mỹ thả xuống phát nổ trên bầu trời Hiroshima.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui kêu gọi xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân thông qua đối thoại và hối thúc Nhật Bản tham gia ký kết Hiệp ước cấm toàn diện vũ khí hạt nhân mà Liên hợp quốc đã thông qua hồi tháng 7/2017.
Ông Matsui khẳng định Nhật Bản cần phải dẫn đầu các nỗ lực nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế đối thoại và hợp tác vì một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Thị trưởng Kazumi cảnh báo những căng thẳng mới nổi trong thời gian qua xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng nếu ngừng đấu tranh, nhân loại có thể sẽ lặp lại những "tội lỗi tồi tệ."
Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Thị trưởng Matsui bày tỏ hy vọng các bên sẽ nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo này thông qua đối thoại và kêu gọi các lãnh đạo toàn cầu ký kết tham gia hiệp ước cấm toàn diện vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết Tokyo sẽ nỗ lực làm cầu nối và dẫn đầu các nỗ lực quốc tế trong vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ tưởng nhớ các nạn nhân của thảm kịch đồng thời nhấn mạnh những gì xảy ra tại Hiroshima ngày 6/8/1945 sẽ không bao giờ được phép lặp lại.
Cũng trong thông điệp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã cảnh báo về tình hình căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như sự mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới trở lại với đối thoại và các biện pháp ngoại giao để đạt được tiếng nói chung nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh việc thông qua Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân là bằng chứng rõ ràng cho thấy các nỗ lực nhằm chấm dứt vĩnh viễn những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Ông cam kết làm việc với những người dân Hiroshima, những người sống sót sau thảm họa bom hạt nhân và cả người dân trên toàn thế giới để hiện thực hóa sứ mệnh xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Hiroshima nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 700 km về phía Tây. Quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima 73 năm trước hầu như đã san phẳng thành phố khi đó khoảng 100.000 dân. Đó là chưa kể hàng nghìn người phải sống với những nỗi đau thể xác và ký ức kinh hoàng.
Sau 73 năm, dù nhiều thứ đã thay đổi, song cùng với Nagasaki, cái tên Hiroshima vẫn nhắc nhở nhân loại về một thảm họa không được phép lặp lại./.
Theo TTXVN