Tại buổi tọa đàm “Tiếp sức người lao động, thanh niên công nhân” do Tỉnh đoàn tổ chức, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình để có cuộc sống ổn định nơi đất khách, quê người. Trước mong muốn của CNLĐ, ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực hơn nữa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để họ yên tâm, lao động sản xuất.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham quan gian hàng bán đúng giá cho TNCN tại ngày hội “Tiếp sức người lao động, thanh niên công nhân” năm 2015. Ảnh: T.LÝ
Học tập nâng cao trình độ
Học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề là mong muốn của nhiều thanh niên công nhân (TNCN) đang làm tại các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh. Sau khi vào Bình Dương làm CN, cuộc sống dần ổn định, họ “thắp” lại ước mơ “chinh phục” tri thức. Sau một thời gian phụ ba mẹ nuôi em, bạn Trần Hùng Anh, CN Công ty TNHH Phú Xuân (TP.Thủ Dầu Một) đăng ký học kế toán tại trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam Bình Dương. Hùng Anh nói: “Làm CN tuổi đời rất ngắn, vì vậy mình phải tìm đường cho tương lai. Mình muốn đi học lấy cái bằng để tìm một công việc ổn định về sau. Không những thế, mình cố gắng học cũng là cách giáo dục các con, cháu sau này”. Trước nhu cầu chính đáng của CNLĐ, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc rà soát lại số CN không biết chữ, mở các lớp “xóa mù chữ cho CN”.
Không chấp nhận một CN bình thường, nhiều bạn mong muốn được học nâng cao tay nghề để có vị trí ổn định trong công ty, xí nghiệp. Đơn cử như trường hợp anh Đinh Văn Thiện, SN 1983, CN Công ty Phát Triển (khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) quê Hà Tĩnh. 18 tuổi, anh vào Bình Dương khi vừa tốt nghiệp THPT loại khá. Anh tạm gác chuyện học hành để lo cho các em. Đến nay, khi các em của anh đã ra trường, anh bắt đầu học công nghệ thông tin tại trường Trung cấp nghề tỉnh và tốt nghiệp loại giỏi. Học xong, anh được chuyển từ CN sản xuất sang làm ở khâu kiểm hàng. Trước nhu cầu học tập của CNLĐ, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh cũng đề xuất một số giải pháp xã hội hóa các hoạt động giáo dục, chăm lo cho CNLĐ; lồng ghép các đề án, chương trình của tỉnh đang thực hiện hiệu quả để chăm lo cho TNCN, như phổ cập tin học, hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, văn phòng tư vấn, hỗ trợ thanh niên…
Sân chơi hợp giờ, đúng chất CN
Song song với nhu cầu được học văn hóa, TNCN còn muốn có một sân chơi bổ ích, phù hợp với thời gian để họ có thể tham gia sinh hoạt. Bạn Hồ Thị Hồng Thủy, Chi hội trưởng Chi hội TNCN Công ty Applied Technology Precision (TX.Bến Cát) đề xuất, các hoạt động phục vụ CNLĐ phải phù hợp thời gian được nghỉ của CN, tốt nhất là tổ chức sân chơi chiều thứ bảy, chủ nhật. “Sau giờ làm, tăng ca hầu hết CN đã thấm mệt nên các hoạt động văn nghệ, thể thao sẽ không thu hút họ. Do đó, đơn vị tổ chức nên chọn thời điểm phù hợp để tất cả CNLĐ có thể đến dự. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lồng ghép tuyên truyền pháp luật sẽ dễ “ngấm” trong mỗi CNLĐ”, Hồng Thủy nói.
Tạo sân chơi cho CNLĐ là nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ. Tính từ năm 2013 đến nay, trung tâm đã tổ chức hơn 100 hoạt động thiết thực thu hút hàng trăm TNCN, trong đó chú trọng đến hoạt động văn hóa, văn nghệ và giáo dục đạo đức lối sống trong TNCN. Trung tâm thường xuyên tổ chức các hội thi tiếng hát TNCN, tiếng hát karaoke CN; chương trình “Xuân yêu thương, TNCN” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ…; mở phiên chợ CN để bán hàng giảm giá. Ngoài ra, còn có sân chơi cuối tuần cho TNCN tại các chi hội TNCN, các nhà trọ, công ty với những nội dung, như mừng sinh nhật tập thể, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ.
Là công ty có hơn 13.000 CN, trong đó 95% là ở độ tuổi thanh niên và 70% lao động ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc, chăm lo vật chất, tinh thần cho CN là việc khó. Thế nhưng thời gian qua, Công ty TNHH Điện tử Foster đã thực hiện tốt, hiệu quả, tạo lòng tin để CNLĐ gắn bó lâu dài với công ty. Anh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết, ngoài chăm lo vật chất, công ty còn thành lập các câu lạc bộ (CLB) ngân hàng máu sống, bóng đá, bóng chuyền; đội, nhóm, văn nghệ, văn học và sáng tác trẻ, nhân ái, hội cổ động viên bóng đá…
Tại buổi tọa đàm “Tiếp sức người lao động, TNCN” do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, TNCN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của tỉnh. Do đó, việc chăm lo đời sống, vật chất cho họ là việc làm cần thiết. Ông yêu cầu các sở, ban ngành, công đoàn, DN cần tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng của TNCN để có hướng chăm lo thiết thực.
THIÊN LÝ