Xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ người lao động

Cập nhật: 16-11-2021 | 06:40:24

Các thiết chế công đoàn, trường mầm non, trung tâm văn hóa công nhân... đã và đang được chính quyền tỉnh cùng các cấp công đoàn đầu tư xây dựng, góp phần không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động (NLĐ) đang sinh sống và làm việc tại địa phương.

Trường học cho con NLĐ

Chị Trần Thị Lượng, công nhân lao động (CNLĐ) làm việc Nhà máy Cà phê Sài Gòn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát), quê ở Quảng Ngãi, có con trai 3 tuổi đang học lớp mầm ở trường Mầm Non 28-7, cho biết khi mới sinh con vợ chồng chị phải nhờ bà nội, bà ngoại ở quê vào thay nhau trông giúp để đi làm. Sau này, cả hai bà điều bận việc ở quê không thu xếp công việc được để vào trông nom cháu dài ngày được nữa, gia đình phải đi tìm trường để cho gửi cháu. Tìm được trường tư thục, nhóm trẻ gia đình học phí rất đắt, tính cả tiền gửi tăng ca cũng trên 2 triệu đồng/tháng, với nhiều rủi ro tiềm ẩn. CNLĐ phải thường xuyên tăng ca đến 19 giờ tối, trong khi các trường công lập chỉ giữ trẻ đến 17 giờ 30 phút. Với thu nhập khoảng trên 16 triệu đồng/tháng, cả hai vợ chồng phải chắt chiu lắm mới bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của gia đình, nuôi con, hoàn toàn không có khoản dư để tích lũy.

Được bạn bè thông tin, chị Lượng tìm đến trường Mầm Non 28-7 để gửi con. “Trường học có cơ sở vật chất rất khang trang, thoáng mát, sạch sẽ, học phí phù hợp với thu nhập của gia đình. Về thời gian gửi, nhà trường tổ chức học cả ngày thứ 7, ai có nhu cầu gửi con để tăng ca thì đăng ký để nhà trường sắp xếp nên tôi đã xin gửi cháu được đi học ở đây và yên tâm đi làm hơn”, chị Lượng chia sẻ.

Con CNLĐ được học tập, chăm sóc chu đáo tại trường Mầm Non 28-7

Trường Mầm Non 28-7 (KCN Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát) được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đầu tư xây dựng từ hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và từ nguồn xã hội hóa... đã đáp ứng nhu cầu trường lớp của các em học sinh tại địa phương, đặc biệt là con của CNLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TX.Bến Cát. Bà Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm Non 28-7, cho biết trường hiện có 13 lớp học đáp ứng nhu cầu cho gần 400 cháu theo học. Nhà trường thu học phí theo quy định của Nhà nước 90.000 đồng/tháng/cháu, riêng tiền ăn hàng ngày (4 bữa ăn) của các cháu lớp nhóm trẻ 28.000 đồng/ngày và lớp mẫu giáo 30.000 đồng/ngày, chỉ tính ngày đi học (không tính ngày nghỉ học) của các cháu trong tháng để thu tiền. Nhà trường nhận giữ trẻ ngoài giờ hành chính, ngày thứ 7 để giúp công nhân tăng ca.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Vấn đề về nhà giữ trẻ, trường mầm non cho con CNLĐ rất bức thiết. Để có thể an tâm làm việc, nhiều CNLĐ phải chấp nhận gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp, hoặc gửi con tại các nhóm trẻ thiếu điều kiện chăm sóc và không an toàn. Đó cũng là lý do chính để LĐLĐ tỉnh xin chủ trương, kinh phí đầu tư từ công đoàn cấp trên, chính quyền địa phương và xã hội hóa xây trường học cho con em CNLĐ; đồng thời tạo sự lan tỏa tới cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các DN có đông CNLĐ xây nhà trẻ cho con CNLĐ”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe của CNLĐ, tỉnh còn đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Lao động Bình Dương tại Khu dân cư Việt-Sing (phường An Phú, TP.Thuận An), với nhiều khu chức năng, trung tâm tổ chức hội nghị, nhà thi đấu đa năng, quảng trường phục vụ sự kiện ngoài trời, hồ bơi... tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 12 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 37 tỷ đồng, kinh phí của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh hơn 31 tỷ đồng.

Tiếp tục xây dựng nhiều thiết chế

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết việc triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn để không ngừng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống của CNLĐ. Cụ thể là công trình Trung tâm Văn hóa công nhân lao động TX.Bến Cát, có tổng diện tích 10.644m2, với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ UBND tỉnh 49 tỷ đồng, vốn LĐLĐ tỉnh gần 21 tỷ đồng, dự kiến quý II-2022 sẽ tổ chức nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình Trung tâm Văn hóa công nhân lao động TP.Dĩ An có diện tích 4.159m2, với tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng, dư kiến nguồn vốn UBND tỉnh 35 tỷ đồng, vốn Tổng LĐLĐ Việt Nam và tài chính tích lũy của LĐLĐ tỉnh 15 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2022-2025. Bên cạnh đó là các công trình như Trung tâm Hoạt động Công đoàn tỉnh Bình Dương có diện tích 6.991,9m2, với tổng mức đầu tư trên 387 tỷ đồng, nguồn vốn LĐLĐ tỉnh trên 313 tỷ đồng, vốn UBND tỉnh trên 73 tỷ đồng; Trung tâm Văn hóa Lao động huyện Bàu Bàng (KCN Bàu Bàng) do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư có diện tích 30.000m2… cũng đã được xúc tiến.

“Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét tiếp tục có những chính sách hỗ trợ CNLĐ, đặc biệt đầu tư xây mới thêm các thiết chế công đoàn như xây dựng các khu nhà ở xã hội cho CNLĐ với giá tiền thuê, mua phù hợp thu nhập của CNLĐ; nhà trẻ cho con CNLĐ; khu sinh hoạt văn hóa gần các khu, cụm công nghiệp để nhiều CNLĐ được thụ hưởng hơn nữa”, bà Nguyễn Kim Loan, cho hay.

Với đặc thù là một trong những đị a phương phát triển mạnh về công nghiệp, Bình Dương đã thu hút đông đảo NLĐ từ các nơi trên cả nước về làm việc và sinh sống. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có trên 1,2 triệu lao động, trong đó có hơn 56% là NLĐ ngoài tỉnh. Bên cạnh nhiều chính sách chăm lo đời sống cho CN LĐ, chính quyền tỉnh cùng các cấp công đoàn đã và đang triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn để phục vụ cho CNLĐ.

 ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên