Xây dựng thành phố thông minh: Định hướng tất yếu về một tương lai bền vững

Cập nhật: 30-01-2019 | 17:52:18

Hòa trong không khí nhân dân cả nước đón chào ngày tết cổ truyền của dân tộc, mừng xuân Kỷ Hợi 2019, Báo Bình Dương ra mắt bạn đọc ấn phẩm đặc biệt: Bình Dương xuân 2019. Nhân dịp này, Báo Bình Dương rất vinh dự được đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhận lời trao đổi một số vấn đề liên quan trong việc xây dựng thành phố thông minh bền vững.

- Xin đồng chí cho biết một số kết quả triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian qua, nhất là trong năm 2018?

Đề án Thành phố thông minh Bình Dương là một trong những chương trình đột phá quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng đến mục tiêu hình thành một nền kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao; xây dựng và phát triển các đô thị trở thành môi trường sống thân thiện, thuận lợi cho mọi người dân và đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án; được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh, đặc biệt là sự quyết tâm, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, các viện/trường, nhân dân và các thành phần kinh tế trong tỉnh, vai trò tích cực, nhiệt tình hưởng ứng của Tổng Công ty Becamex, Đề án Thành phố thông minh Bình Dương bước đầu đã đạt được những thành quả quan trọng, làm nền tảng cho công tác hoạch định cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong tương lai. Những thành quả của đề án đã tạo sự thay đổi đáng kể trong hành động và tư duy phát triển của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo sự bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Bình Dương trên bước đường đổi mới và hội nhập.

Trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm thực tiễn của thành phố Eindhoven, Hà Lan, các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan đã tập trung phát huy các giá trị cốt lõi trong công tác xây dựng đô thị thông minh qua việc triển khai mô hình “ba nhà” (với các bên liên quan gồm Nhà nước - nhà doanh nghiệp - viện/nhà trường). Thông qua mô hình này, các bên cùng hợp tác chia sẻ nguồn lực, tầm nhìn và cùng chung tay xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Qua thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhiều chương trình, nội dung cụ thể đã được các bên chủ động đề xuất với các ngành chức năng và tích cực phối, kết hợp triển khai đồng bộ, với những giải pháp thiết thực như: Các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, quy hoạch đô thị theo xu thế mới; trang bị đèn LED và chiếu sáng thông minh, xe buýt xanh - sạch - hiện đại, xe máy điện; quan trắc môi trường, xử lý rác thải, camera giám sát giao thông, an toàn đô thị… và nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ nội dung của đề án.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác tổ chức sự kiện Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới năm 2018 tại Bình Dương. 
Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Việc triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian qua đã tạo được hiệu quả và sức ảnh hưởng nhất định; góp phần quảng bá, giới thiệu về đất và người Bình Dương đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh Bình Dương đã ghi một dấu ấn quan trọng khi Vùng thông minh Bình Dương đã đạt được những tiêu chí chặt chẽ của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) để chính thức trở thành thành viên của tổ chức này. Sự kiện này đã mở ra một vận hội mới, tạo thuận lợi cho Bình Dương tiếp cận và gắn kết với hơn 180 thành phố thông minh thịnh vượng trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã được kết nạp vào Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) với 105 thành viên đến từ 47 quốc gia, đồng thời vinh dự được chọn làm địa phương đăng cai tổ chức sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập WTA vào tháng 10-2018.

Bên cạnh đó, tháng 11-2018, được sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước, tỉnh Bình Dương đã đăng cai tổ chức thành công một sự kiện kinh tế quốc tế với quy mô lớn, đó là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2018. Đây là một điểm nhấn quan trọng, góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh của Bình Dương trên bước đường xây dựng thành phố thông minh.

- Năm 2018, Bình Dương trong quá trình xây dựng thành phố thông minh đã tạo nhiều điểm nhấn quốc tế chưa từng có, tiêu biểu là gia nhập ICF và WTA; tổ chức thành công 2 sự kiện quốc tế lớn là Hội nghị WTA và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á 2018. Theo đồng chí, 2 sự kiện này đã có tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương?

Như chúng ta đã biết, trong năm 2018, tỉnh Bình Dương đã tập trung huy động tối đa nguồn lực, vật lực để tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm 20 năm WTA và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á 2018. Đây là 2 sự kiện kinh tế - chính trị quan trọng với quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Qua 2 sự kiện này, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp Bình Dương có dịp tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học, nhà quản trị và các chuyên gia kinh tế có uy tín hàng đầu; từ thị trưởng của các đô thị thuộc WTA, hiệu trưởng của các trường đại học hàng đầu, giám đốc điều hành của các tổ chức kinh tế lớn. Tỉnh Bình Dương cũng vinh dự được đón tiếp lãnh đạo của Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương về dự và có những ý kiến đóng góp, chia sẻ hết sức xác đáng và thiết thực về định hướng và tầm nhìn của Bình Dương trong thời gian tới.

Có thể khẳng định rằng, chuỗi các sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập WTA và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á 2018 đã tạo ra cơ hội cho các lãnh đạo, chuyên gia và đại biểu của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp được cập nhật thông tin và trao đổi những tri thức, góc nhìn mới, các cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như những giải pháp thiết thực về xử lý hiệu quả các vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa; cũng như phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh, bền vững.

Những thành công từ những hoạt động nêu trên đã mang lại những cơ hội quý báu, hình thành nhịp cầu kết nối giữa các nhà quản trị, các doanh nghiệp và các viện/trường khắp thế giới; góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi nguồn lực, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn hội nhập, đột phá để phát triển nền kinh tế tri thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Bình Dương quy hoạch đô thị đồng bộ, hiện đại để đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

- Xin đồng chí cho biết những thuận lợi và thời cơ chính của Bình Dương để tỉnh đưa ra quyết định đột phá kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh?

Với xu thế phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ của thế giới hiện nay thì việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh gần như là một lựa chọn bắt buộc nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu so với các địa phương trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, để định hình và phát triển, tỉnh Bình Dương phải tận dụng và chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất để phát triển bứt phá và chuyển mình vươn lên.

Như chúng ta đã biết, Bình Dương nằm trong trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh; đi đầu trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, sản xuất… Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 36.500 doanh nghiệp, trong đó có hơn 3.500 dự án đầu tư nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp cùng các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và tham gia đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của cả nước. Bình Dương được đánh giá là một địa phương có sức hút mạnh mẽ đối với người lao động trong cả nước. Tỉnh đã tập trung phát triển mạnh về sản xuất, kinh doanh và các loại hình dịch vụ; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp - đô thị - dịch vụ với quy hoạch khá quy mô, bài bản và đồng bộ.

Bên cạnh đó, với những nỗ lực cụ thể nhằm phát triển nguồn lực tri thức, tỉnh đã tạo điều kiện để hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề có chất lượng. Hiện tại toàn tỉnh có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp nghề và cơ sở đào tạo nghề... Đặc biệt hơn nữa, từ nền tảng thu hút, mời gọi đầu tư, Bình Dương đã tạo dựng được mối quan hệ quốc tế gắn bó sâu rộng. Từ khi khởi động Đế án Thành phố thông minh, Bình Dương đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của bạn bè trong khu vực, các nước châu Á và trên toàn thế giới. Đây là tiềm lực, là tiền đề quan trọng để Bình Dương có thể vươn lên phát triển bền vững.

Cùng với đó, với những nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh, hình thành nên một môi trường đầu tư tốt đẹp, Việt Nam hiện nay luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như là một quốc gia đầy tiềm năng; với nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển năng động. Với việc ký kết thành công hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác nhau, Việt Nam được dự đoán là một trong 5 quốc gia (MITI-V) sẽ đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Đây sẽ là điều kiện, là tiền đề quan trọng mở ra cơ hội thuận lợi để Bình Dương tận dụng để phát triển vượt bậc; hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đáp ứng kịp thời xu thế và những yêu cầu tất yếu của người dân và doanh nghiệp.

- Thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương, xin đồng chí cho biết lợi ích lớn nhất mà người dân trong tỉnh sẽ được hưởng từ đề án này?

Đề án thành phố thông minh Bình Dương luôn đặt con người là trọng tâm, từng bước xây dựng môi trường sống ngày càng tốt hơn cho người dân, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, tiện nghi, xanh, sạch, an toàn, chăm sóc sức khỏe nhân dân thật tốt, đặc biệt là có sự tương tác liên kết chặt chẽ giữa người dân và các tổ chức; thông thoáng, minh bạch; đời sống văn hóa cũng rất phong phú, dồi dào. Vì vậy, trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, chúng tôi tập trung phát triển tri thức, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hỗ trợ các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trường nghề kết nối với doanh nghiệp, ứng dụng các chương trình quốc tế, đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, trong xây dựng thành phố thông minh, tỉnh luôn chú trọng đến kiến tạo sự thịnh vượng cho người dân, làm sao để cung cấp điều kiện tốt nhất, minh bạch, năng động nhất để mọi doanh nghiệp, mọi người dân có thể sinh hoạt, làm việc, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thật thuận lợi. Song song đó, tỉnh luôn chú trọng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển một môi trường sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; hình thành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các phòng thực nghiệm chung giữa doanh nghiệp và nhà trường, các dự án cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các tuyến đường giao thông mới; cải cách hành chính sâu rộng hướng đến chính quyền điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.

Với nhiều đề án quan trọng đã và đang được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai quyết liệt như: Cải cách hành chính minh bạch, thân thiện; bổ sung mảng xanh, thúc đẩy môi trường xanh giai đoạn 2017-2030; các giải pháp kỹ thuật cải thiện an toàn giao thông, an ninh trật tự; phát triển hệ thống bệnh viện hiện đại hướng đến y tế thông minh; xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, công nhân và người lao động..., chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng rằng, trong thời gian tới mọi người dân Bình Dương sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và các thế hệ mai sau của tỉnh Bình Dương sẽ có được một tương lai tươi sáng hơn nữa.

- Xin cảm ơn đồng chí!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=189
Quay lên trên