Trong 2 ngày 20 và 21-4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Viện Dân số và Các vấn đề xã hội tổ chức các buổi tọa đàm liên quan đến công nhân lao động (CNLĐ) ngoại tỉnh đang sinh sống ở Bình Dương. Tại đây, nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có vấn đề xây dựng ý thức xã hội cho CNLĐ từ chấp hành pháp luật, đến xây dựng mối quan hệ hài hòa nơi làm việc, sinh sống.
CNLĐ tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh để nêu lên những tâm tư, nguyện vọng của mình
Ý thức còn mờ nhạt
Tại các khu công nghiệp (KCN) sau giờ tan ca, hàng ngàn công nhân đổ ra đường bằng các phương tiện khác nhau. Ai cũng háo hức để nhanh chóng về đến phòng, không ai chịu nhường ai nên thường gây ra tắc đường. Nhiều CN còn thể hiện “tay lái lụa” khi cố tình lạng lách, đánh võng hay nẹt ga qua mặt những bạn CN khác. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm vẫn hiên ngang lưu thông trên đường. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, người dân trước cổng KCN VSIP I (TX. Thuận An) cho biết, đến giờ tan ca, khu vực giao giữa cổng KCN VSIP I và đại lộ Bình Dương luôn tắc nghẽn. Lý do là CN vượt đèn đỏ, đi bộ qua đường trong khi đang đèn xanh… Nhiều trường hợp CN chạy nhanh, vượt ẩu đã gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc.
Không những thiếu ý thức về chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhiều CN còn thể hiện sự thiếu văn hóa trong cách ứng xử, ăn nói. Tại các quán ăn, quán nhậu khu vực đông CN sinh sống, sau những cuộc nhậu do mất kiểm soát đã dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau. Trung tá Trương Minh Cảnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, lượng lao động ngoại tỉnh đông là thách thức lớn cho ngành công an, khi liên tục phải giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn đánh nhau hay bắt nhóm tham gia đua xe, lạng lách, đánh võng.
Nhiều CN còn “quên” cách giao tiếp ứng xử lịch sự khi tiếp xúc với mọi người xung quanh. Ông Nguyễn Văn Thắm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nói, là đơn vị có nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân, CNLĐ không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, bảo đảm sức khỏe sinh sản, nên mỗi lần cán bộ dân số các xã, phường gặp gỡ, trao đổi với CNLĐ đều nhận được những cái lắc đầu, xua đuổi. Nhiều bạn đã không hợp tác, còn dùng những lời lẽ thiếu văn hóa. Trước thực trạng đó, cán bộ dân số phải gặp nhiều lần và cố gắng phớt lờ những hành động không hợp tác của họ; đồng thời, các sở, ngành còn tổ chức tọa đàm đặt ra nhiều phương hướng, giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ CN lành nghề, có chuẩn mực đạo đức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.
Từng bước khắc phục
Theo nhận định của Ban Quản lý các KCN, nguyên nhân dẫn đến việc “quên” cách ứng xử văn minh, văn hóa của CNLĐ là do trình độ học vấn hạn chế. Học vấn hạn chế, sống trong môi trường không lành mạnh dễ ảnh hưởng đến cách sống của CN. Đặc biệt, CNLĐ ngoại tỉnh đều ở trong độ tuổi thanh niên nên chưa nhận định đúng việc cần làm hay không nên làm. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, các ngành, doanh nghiệp và địa phương cần tuyên truyền tích cực đến CNLĐ, tạo điều kiện cho họ nâng cao ý thức xã hội.
Đối với Đảng ủy Khối doanh nghiệp (DN), thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI, Đảng ủy đã có kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Theo ông Trần Văn Mến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN, Đảng ủy sẽ xây dựng môi trường văn hóa trong các DN; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ gắn với xây dựng khu, cụm công nghiệp văn hóa, khu nhà trọ văn hóa nhằm bảo đảm quyền được hưởng thụ văn hóa của CNLĐ để họ thật sự an tâm làm việc, gắn bó với DN; đồng thời giáo dục, bồi dưỡng để từng bước hình thành và phát triển văn hóa, văn minh công nghiệp, định hình nếp sống văn hóa tiên tiến, lành mạnh trong CNLĐ; nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ chủ nhà trọ”, “Khu nhà trọ văn hóa”...
Về phía Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, để “nâng chất” đội ngũ CNLĐ trở thành những người giỏi, đạo đức, chấp hành pháp luật, LĐLĐ tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh, doanh nghiệp tổ chức tọa đàm, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân, qua đó tìm ra những hạn chế, vướng mắc trong đời sống CNLĐ để có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao do LĐLĐ các huyện, thị, thành phố và công đoàn cơ sở tổ chức cũng đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật, nói chuyện chuyên đề về cuộc sống, sinh hoạt, môi trường, ứng xử văn hóa… Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của CNLĐ cũng cần sự nỗ lực từ chính họ để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Bà Nguyễn Thị Thiềng, PGS. TS. Giảng viên chính, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho biết, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương có lượng lao động ngoại tỉnh đến làm việc, sinh sống rất đông. Quá trình làm việc của viện với các sở, ngành có liên quan là hoạt động trong việc thực hiện chuyên đề “Tích tụ dân số, tăng trưởng bền vững và các vấn đề phát triển ở vùng công nghiệp hóa - đô thị hóa nhanh: Trường hợp các tỉnh Đông Nam bộ”. Qua quá trình khảo sát, Bình Dương đã có nhiều chính sách chăm lo đời sống người lao động ngoại tỉnh, giúp họ yên tâm làm ăn “an cư lạc nghiệp”.
THIÊN LÝ