Xin chào em,
người bác sĩ tương lai/ Vào đi em, cửa giảng đường đã mở/ Thầy Cô giáo luôn ân
cần, niềm nở/ Nâng bước em trong suốt sáu năm dài/ Quãng đường em đi sắp tới sẽ
chông gai/ Chẳng có hoa hồng rải trên thảm đỏ/ Con đường đó nhiều gian nan, trắc
trở/ Nhưng tôi tin em biết phải không em? (Bài
thơ sinh viên y khoa, Nguyễn Đình Duyệt)Là một thầy thuốc đang giảng dạy bộ môn Sinh lý học của
Đại học Y Dược Huế, nhà thơ Nguyễn Đình Duyệt hiểu rất rõ bao khó khăn mà những
thế hệ sinh viên trải qua: Những giảng đường đèn sáng đêm đêm/ Có bóng em miệt
mài bên trang sách/ Rồi bao đêm ngủ không đủ giấc/ Những bữa ăn vội vã, qua
loa... Bài học đầu đời của bất kỳ sinh viên y khoa nào cũng bắt đầu bằng một lịch
trình dày đặc: sáng học lý thuyết, chiều thực hành, tối đi trực. Có thể nói,
sinh viên ngành y tiếp xúc, trải nghiệm sớm nhất so với các trường khác. Áp lực
đối với họ bắt đầu từ ngày đầu tiên, có sinh viên quá hoảng sợ nên đã ngã lăn
đùng trong phòng phẫu thuật xác, trường hợp học viên trực cấp cứu chứng kiến những
ca tai nạn máu lênh láng… gục ngã giữa phòng không phải ít. Vậy đó, nhưng rồi: Phút giây nào, một hình bóng nơi xa/ Bất chợt
hiện về, trái tim em rộn rã/ Nhưng chỉ thế thôi, đã là tất cả/ Thôi thúc em bước
tiếp quãng đường dài.
Lòng bồi hồi,
tôi biết nói gì đây/ Người đưa đò gặp lại người khách cũ/ Và lúc ấy, tôi ước gì
nghe một lời em kể/ Em đã từng là Sinh viên Y Dược Huế, Thầy ơi! Có lẽ, chỉ với ngành y mới có quy định ngặt nghèo về
thời gian làm việc với một ca trực kéo dài 24 tiếng đồng hồ, tiếp xúc với hàng
trăm lượt bệnh nhân, giải quyết nhiều tình huống khác nhau của người bệnh. Để
làm việc và sống được bằng nghề nghiệp của mình, bác sĩ phải có đủ 3 điều kiện:
sức khỏe tốt, đam mê nghề nghiệp và sống có kỷ luật, biết chịu trách nhiệm với
công việc. Để làm việc ở một môi trường căng thẳng với đầy rẫy biến cố, đòi hỏi
người bác sĩ phải biết chịu trách nhiệm với công việc. Nhiều trường hợp bác sĩ
đã hết ca trực, nhưng bệnh nhân do mình phụ trách có “biến cố” thì dù đã rời khỏi
nơi làm việc, họ vẫn phải quay trở lại. Và tất cả điều đó đều phải được các
sinh viên chập chững bước vào chốn giảng đường thấu rõ: Thầy Cô trường Y đều nghiêm khắc em ơi/ Lý do vì sao tôi tin em sẽ hiểu/
Sứ mệnh chúng ta - Sinh mạng con người/ Đạo đức Lương Y không thể làm khác được.
Thi sĩ Nguyễn Đình Duyệt đã viết những câu thơ bằng
tâm thế của người thầy thuốc: Môn Giải phẫu,
lời chào ngành Y Dược/ Khó khăn bắt đầu, đừng nản chí nghe em/ Những buổi thực
hành trên mô hình thực nghiệm/ Bên những xác người đang đợi hóa thân/ Đừng sợ
em ơi, những con người tự nguyện/ Đang nằm yên theo dõi bước em đi/ Lễ hội
Macchabée hằng năm tổ chức/ Nén hương lòng nhớ thắp nghe em... Đúng là khổ thật, nhưng làm sinh viên y cũng có nhiều
điều rất… vui. Này nhé, từ việc sợ hãi khi chạm vào xác người, tuổi trẻ dần dần
dạn tay hơn, yêu mến môn học chi tiết về cơ thể con người và cũng vô cùng cảm
phục về tinh thần hy sinh của những con người bình thường nhưng cao cả, sẵn
sàng hiến xác cho khoa học. Và một ngày kia em lại thấy rụt rè/ Là lần đầu tiên đi
thực tập bệnh viện/ Nhiệt kế, ống nghe, áo choàng, mũ trắng.../ Thân thiết cùng
em suốt cuộc hành trình. Để rồi những buổi trực đêm khiến mọi thành viên thêm
thân thiết và gắn bó. Cùng nhau 6 năm, vượt qua những kỳ thi và những thử thách
chông gai, các bạn sinh viên y đã trở thành một gia đình thực sự. Ở đó, vẫn có
những người bạn riêng, rồi giận hờn, cãi vã nhưng đã là anh em thì trước sau gì
cũng làm hòa và thân thiết hơn, để lại những kỷ niệm thời sinh viên không thể
phai mờ. Vậy thì sinh viên trường y sướng hay khổ trước quá nhiều áp lực như thế?
Và một ngày tất
cả sẽ qua đi/ Những trắc trở, khó khăn, vất vả.../ Biết trồng cây sẽ có ngày
hái quả/ Trên cao kia, em mũ mão, áo dài/ Những tràng pháo tay, những bó hoa
tươi/ Những điều vinh danh, những lời chúc tụng/ Em quỳ xuống với lời thề
Hypocrate/ Giây phút này, em đã là đồng nghiệp của tôi.NGUYỄN HỒNG
PHÚC