Ý thức công dân

Cập nhật: 24-03-2011 | 00:00:00

Ý  thức công dân gắn liền với sự phát triển xã hội. Một xã hội văn minh bao giờ cũng đi đôi với ý thức công dân cao. Ở một số quốc gia phát triển, ta thấy điều này rất rõ khi mà người dân tự giác tham gia vào quá trình quản lý xã hội. Xung quanh vụ động đất, sóng thần vừa qua tại Nhật Bản cho thấy, dù tình hình nguy ngập khủng hoảng nhưng người dân Nhật không hoảng loạn, tôn ti trật tự vẫn giữ vững đó là nhờ người Nhật có ý thức công dân cao.

Ý thức công dân được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó ý thức về hành vi văn hóa, pháp luật, chính trị là rất quan trọng bởi vì các loại ý thức này nếu thể hiện tốt nó sẽ là động lực thúc đẩy cộng đồng phát triển. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chúng ta trải qua một thời gian dài bị xâm lược và chiến tranh, cơ sở hạ tầng xã hội yếu, trình độ dân trí thấp kém... Ý thức được điều này nên  Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí từ đó nâng cao ý thức công dân nhất là phát huy dân chủ xã hội. Chỉ còn một thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp. Đây là dịp để công dân phát huy quyền dân chủ của mình theo hiến định. Người dân sẽ tham gia ứng cử và bầu cử cơ quan quyền lực đại diện cho mình trong quá trình quản lý xã hội, đây cũng là thời điểm để công dân thể hiện ý thức chính trị của mình cụ thể nhất. Để cuộc bầu cử lần này có chất lượng cao, đòi hỏi phải nâng cao ý thức chính trị cho người dân, hạn chế một số tồn tại lâu nay thường mắc phải như: Thứ nhất là “đi bầu cho có”, điều này thể hiện cử tri thiếu quan tâm đến ứng cử viên mà mình sẽ bầu, không tìm hiểu tiểu sử; quan điểm chính trị; chương trình hành động của ứng cử viên. Một số cử tri khi bỏ phiếu rất nhanh do gạch đại phía trên hoặc dưới mà không chịu nhìn kỹ tên tuổi ứng cử viên... Thứ hai là “ít tham gia cuộc tiếp xúc cử tri”, vấn đề này thường xảy ra không chỉ trong cuộc vận động bầu cử mà cả khi bầu cử xong, lúc đại biểu chuẩn bị cho các kỳ họp, viễn cảnh thường thấy là các cuộc tiếp xúc cử tri có ít người đến dự, cử tri nghe đại biểu nói là chính chứ ít có sự chuẩn bị ý kiến chất vấn đại biểu... Điều tồn tại này làm giảm hẳn tính đại diện của đại biểu bởi đại biểu không nghe được ý kiến và nguyện vọng của cử tri và đồng thời cử tri cũng quên mất quyền của mình trong giám sát và quản lý xã hội. Thứ ba là “thờ ơ chính trị” có không ít người quan niệm rằng “công việc chính trị” là của cán bộ, đảng viên chứ người dân thì chỉ lo làm ăn thôi, vướng vào làm gì cho cực thân... Những quan niệm như vậy chứng tỏ ý thức của công dân trong việc tham gia giám sát chưa cao.

Quyền của công dân được như ngày nay là cả một quá trình đấu tranh đòi dân chủ từ mấy ngàn năm. Khi xã hội phát triển đòi hỏi ý thức công dân cũng phát triển tương đồng. Bầu cử cơ quan quyền lực là công việc trọng đại không phải của một tổ chức nào mà là của toàn dân, vì vậy đòi hỏi mỗi một công dân phải tự giác nâng cao ý thức chính trị góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước hoàn thiện và vững mạnh để đưa đất nước đi tới “Dân giàu - nước mạnh - xã hội dân chủ công bằng - văn minh”.

 NGUYỄN HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên