Quản lý và thu gom, tái chế chất thải rắn: Khó cũng phải hoàn thành

Cập nhật: 10-09-2014 | 14:37:57

Tiến trình phát triển công nghiệp ngày càng tăng đã kéo theo khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh khá nhiều từ hoạt động sinh hoạt của các hộ dân, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và các hoạt động y tế... Xác định nguồn gốc chính gây ô nhiễm môi trường làm phát sinh bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân, Bình Dương đã đề ra các mục tiêu phấn đấu hoàn thành.

Công nhân Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương phân loại chất thải trước khi đưa ra xử lý

CTR từ nhiều nguồn

Con số thống kê của UBND tỉnh, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 900 - 1.000 tấn CTR sinh hoạt (bình quân 1 người/ngày thải ra khoảng 0,56 - 0,62kg CTR). CTR sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các khu đô thị, các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… Phần lớn CTR sinh hoạt đều là chất hữu cơ dễ phân hủy, còn lại là các loại chất thải khó phân hủy như túi nylon, bao bì đựng thuốc, hóa chất, chai, lọ thủy tinh, kim loại... Trong khi đó, lượng CTR sinh hoạt được thu gom, tái chế chỉ đạt 90 - 100 tấn/ngày (chiếm 10%). Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt được người dân thu gom, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, không xác định được các thành phần nguy hại, tác động trực tiếp môi trường xung quanh. Ngoài ra, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh cũng thải ra môi trường một lượng lớn chất thải nguy hại. Mỗi ngày, lượng CTR công nghiệp thải ra bình quân khoảng 7.700 tấn/ ngày, trong đó có 290 tấn CTR nguy hại.

Đa phần lượng chất thải công nghiệp không nguy hại đã được thu gom, tái chế khoảng 5.390 tấn/ngày (chiếm 70%), còn lại là lượng chất thải nguy hại khoảng 87 tấn/ngày (chiếm 30%). Hầu hết các hoạt động này còn nhiều bất cập, do các cơ sở thu gom và tái chế tự liên hệ để thu mua CTR công nghiệp, không được cấp phép đăng ký kinh doanh phế liệu nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, Bình Dương có 28 KCN và 8 CCN, trong đó có 25 KCN, 1 CCN đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong KCN đạt 95,1%; nước thải của các KCN đạt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường, chiếm 64%. Riêng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các KCN, CCN tỷ lệ cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt 75%, trong đó chỉ có 20% cơ sở đạt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường.

Lượng CTR phát sinh từ các từ các cơ sở y tế cũng đe dọa đến cuộc sống người dân. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây nhiễm nguồn bệnh từ các thành phần của CTR y tế nguy hại chứa các vi sinh vật, chất phóng xạ, hóa chất, kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào, ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Các cơ sở y tế, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 1.250kg/ngày CTR, trong đó các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị y tế trực thuộc phát sinh khoảng 1.108kg/ngày; các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng mạch tư nhân phát sinh khoảng 47kg/ngày; các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế phát sinh khoảng 96kg/ngày. Lượng CTR y tế được thu gom, xử lý đạt 97%.

Tuy vậy, công tác xử lý chất thải y tế cũng gặp khó khăn do các lò đốt để xử lý CTR chủ yếu tập trung ở các bệnh viện lớn, hầu hết đã xuống cấp và lạc hậu, việc vận hành mang tính cầm chừng, thậm chí có nơi còn đóng cửa, ngừng hoạt động lò đốt. Riêng các trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có hệ thống xử lý rác thải. Mặt khác, các phương tiện thu gom chất thải y tế nói chung, CTR y tế nguy hại nói riêng như túi, thùng đựng chất thải, xe đẩy rác, nhà chứa rác còn thiếu và chưa đồng bộ. Hoạt động vận chuyển chất thải y tế nguy hại, từ các bệnh viện, cơ sở y tế tới nơi xử lý, không có các trang thiết bị che chắn, an toàn. Ngoài ra, lượng nước thải y tế rất lớn, không được xử lý triệt để, xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.

Khó cũng phải đạt mục tiêu

Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ phân loại tại nguồn 80% khối lượng CTR; thu gom và xử lý đạt 95% tổng lượng CTR sinh hoạt, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng; 95% tổng lượng CTR công nghiệp được thu gom và xử lý, trong đó 80% được tái chế, tái sử dụng; 100% tổng lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường…

Theo đó, mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” đã được nhân rộng và mang lại hiệu quả đáng kể. Các tổ đã tiến hành giám sát đôn đốc các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh chung, tổ chức thu gom rác thải đúng nơi quy định; xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và bảng quy ước bảo vệ môi trường đặt nơi công cộng để mọi người cùng thực hiện. Vận động người dân đóng góp kinh phí thuê các tổ thu gom rác thường xuyên trên địa bàn, tránh tình trạng rác thải tồn đọng, làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phổ biến cho các hộ chăn nuôi kiến thức vệ sinh chuồng trại, thực hiện làm hầm biogas, hạn chế chất thải ra sông rạch; phân công các thành viên trong tổ thường xuyên nhắc nhở giáo dục các hộ dân trên các tuyến đường tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; cung cấp nguồn tin của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, phát hiện và trực tiếp giữ người xả rác bừa bãi giao cho chính quyền xử lý; trang bị các thùng chứa rác công cộng tại các tuyến đường trên địa bàn.

Bình Dương cũng đã triển khai phương án phân loại CTR tại nguồn, nghiên cứu đặc trưng CTR của địa phương để chọn lựa phương pháp xử lý CTR phù hợp, công nghệ hướng tới là thu hồi sản phẩm - vật liệu, tái tạo tài nguyên, tiêu hủy nhằm giảm diện tích đất chôn lấp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng về xử lý nước thải. Đặc biệt là công tác thu gom, xử lý CTR đạt mục tiêu theo kế hoạch mà tỉnh đã đề ra.

 A.HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên