Sử dụng tiết kiệm tài nguyên cát

Cập nhật: 20-07-2017 | 09:44:27

Cát là một vật liệu không thể thiếu được trong xây dựng. Có đến 80% tổng số lượng cát hiện nay dùng cho san lấp mặt bằng, đường giao thông, chỉ có khoảng 20% còn lại dùng cho các công trình xây dựng như đổ bê tông, trát vữa. Điều đáng nói, từ nay, cát được dùng một cách lãng phí đã góp phần làm cho tài nguyên này ngày càng khan hiếm. Hiện, giá cát xây dựng đã ở mức 700.000 đồng/m3 mà cũng không có để mua. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu cát xây dựng của nước ta năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó bởi cát là nguồn tài nguyên ít tái tạo.

Các chuyên gia cho rằng, sử dụng cát để san nền giúp công trình ổn định hơn nhưng nếu dùng lớp cát quá dày sẽ có hiện tượng chảy khi có dòng chảy lớn hoặc có động đất. Vì vậy, chỉ nên sử dụng cát cho sản xuất bê tông và trát vữa, còn san nền có thể sử dụng loại vật liệu khác thay thế. Giải pháp thay thế đó là sử dụng cát nhân tạo. Mặc dù cát nhân tạo đã xuất hiện tại Việt Nam 10 năm trở lại đây, đến nay, loại vật liệu mới này vẫn không được sử dụng phổ biến trên thị trường, bởi người dân cũng như nhà đầu tư vẫn muốn duy trì thói quen tiêu dùng cát tự nhiên trong xây dựng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, sản xuất các loại VLXD thay thế, ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa. Viện VLXD và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sản xuất các loại VLXD thay thế cát tự nhiên từ vài năm nay. Bên cạnh đó, Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy thủy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12-4-2017 cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề cung cấp vật liệu thay thế vật liệu san lấp truyền thống, trong đó, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp…

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên