Dù nhiều nghị quyết, quyết định, công văn… của Chính phủ đề ra chỉ tiêu phấn đấu theo giai đoạn để có kế hoạch triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với Bộ Thủ tục hành chính cho tốt, nhưng trong quá trình áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ này tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận định vẫn còn hạn chế...
Giải quyết thủ tục hành chính về TN&MT tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Thực trạng…
Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ TNMT từ năm 2015 đến nay, Sở TN&MT đã áp dụng dịch vụ công mức độ 3 đối với 26 thủ tục hành chính trên Trang Thông tin hành chính công của tỉnh; trong đó cung cấp 9 thủ tục năm 2015 và 17 thủ tục năm 2017, như đối với lĩnh vực tài nguyên nước có cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; khai thác, sử dụng nước dưới đất; khai thác, sử dụng nước mặt; thăm dò nước dưới đất; xả nước thải vào nguồn nước; gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, thăm dò nước dưới đất; phép xả nước thải…
Đối với lĩnh vực khoáng sản, lĩnh vực đo đạc bản đồ, lĩnh vực đất đai cũng vậy. Hiện tại, việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; đóng cửa mỏ; gia hạn giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, thăm dò khoáng sản; hoàn công sau khai thác đất san lấp… hay thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng; thủ tục đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… cũng áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ TNMT cho biết, từ khi triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đến nay, hầu như chưa có người dân, doanh nghiệp nào thực hiện đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính này ở mức độ 3. Nguyên nhân là do việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn gặp một số khó khăn nhất định, bởi thói quen sử dụng văn bản thủ công của người dân và doanh nghiệp có từ lâu đời. Nhiều người dân, doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ thông tin, một bộ phận dân cư là nông dân chưa nắm bắt tiếp cận để sử dụng, cập nhật internet hoặc còn hạn chế… Đây chính là trở ngại lớn nhất khi triển khai dịch vụ này.
Đi tìm giải pháp
Nút thắt quan trọng nhằm tháo gỡ hạn chế theo một số cán bộ trung tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến phải sâu và rộng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Làm tốt công tác tuyên truyền nghĩa là người dân, doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức và thấy được lợi ích dịch vụ công này mà thực hiện.
Kế hoạch áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Sở TN&MT giai đoạn 2018-2020 đã đề ra mục tiêu thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 đạt 80% thủ tục trong năm 2018 và đến năm 2020 đạt 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 4 theo lộ trình của Chính phủ. Như vậy, hàng loạt giải pháp đề ra để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo trung tâm là tăng cường triển khai đồng bộ, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, song song với tăng cường tuyên truyền, phổ biến về lợi ích dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, cần đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai trang bị các thiết bị phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từng bước triển khai các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT. Theo đó, phải bổ sung, nâng cấp và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị trực thuộc sở và các sở, ban, ngành, huyện thị lên cổng thông tin điện tử của sở, tỉnh.
Mục tiêu và giải pháp đã có, nhiệm vụ còn lại là tất cả phải vào cuộc, nhất là Trung tâm Công nghệ - Lưu trữ TNMT nên phối hợp chặt chẽ xây dựng và thực hiện bằng các nội dung, hình thức trên cơ sở nghị quyết, quyết định, các văn bản khác… góp phần đưa dịch vụ công trực tuyến vào cuộc sống, vì một thành phố thông minh đang hướng tới.
P.V