Bàn giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả

Cập nhật: 15-01-2013 | 00:00:00

(BDO) Tại phiên khai mạc Hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng chống tham nhũng” do Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP.HCM khai mạc sáng 15-1, đã có 65 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà lý luận “hiến kế” trị tham nhũng. Các bài tham luận, ý kiến phát biểu chỉ ra cội rễ của tham nhũng và cách “trị”

Phát biểu tại phiên khai mạc buổi hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình cho biết, tham nhũng đang trở thành quốc nạn, thành nỗi day dứt đối với lòng tự hào dân tộc và ý thức của công dân của mỗi chúng ta. Tham nhũng là một vấn đề chính trị, đạo đức pháp lý và văn hóa đang thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, các cơ quan công quyền và đoàn thể chính trị xã hội. Tham nhũng đang tạo ra “căn bệnh AIDS” của lòng tin,làm suy giảm sức đề kháng của xã hội trước những biểu hiện suy thoái biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Địa chỉ xuất phát

Theo Phó Giáo sư Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, quyền lực là đối tượng là mục tiêu của tham nhũng. Tham nhũng hiện đã liên kết thành nhóm quyền lực hoạt động hết sức mờ ám. Hiện tham nhũng đã tấn công bộ máy công quyền, thâu tóm quyền lực, đất đai.

 Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập Sổ tay Xây dựng Đảng, trong các lĩnh vực trọng yếu dính tới tham nhũng, phần lớn liên quan đến tiền, hàng hóa, tài sản. Song, có lĩnh vực đáng xấu hổ liên quan đến chính sách cán bộ, công tác cán bộ vì đây thuộc thẩm quyền của Đảng bộ các cấp và của Trung ương. Ông cho rằng, chạy chức là loại tham nhũng nguy hiểm nhất.

Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ nêu tâm trạng, phải chăng hiện nay lòng tin của dân đối với cán bộ, đảng viên hay cán bộ cấp thấp đối với cấp trên... giảm sút do tự mình không phân biệt được ai là cán bộ “thực”, ai là cán bộ “chạy”. Do vậy, độ “tin” và độ “ngờ” đang rất khó xử cho tất cả mọi người, cấp dưới chưa đặt trọn niềm tin vào cấp trên và ngược lại, từ đó sinh ra vây cánh, chỉ tin vào chính mình, tin vào sự quan sát, suy nghiệm của mình.

Trong khi đó, báo cáo của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra nhiều nội dung mang tính gợi mở, đề nghị đại biểu cùng bàn thảo, trong đó có những nội dung đặt vấn đề: Có tham nhũng quyền lực không? Nếu không thì chạy chức, chạy quyền làm gì? “Đấy là tham nhũng quyền lực. Cố sống, cố chết, thậm chí bằng mọi thủ đoạn cố giữ lấy chức vụ, ghế ngồi”. Rồi biến quyền lực được nhân dân giao cho thành vật sở hữu riêng để mưu toan đoạt lợi, vì lợi ích nhóm, đe dọa nhân dân.

Báo cáo nói trên cho biết, nước ta đã ghi nhận nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết… Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận nạn tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, phạm vi rộng, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn. “Thậm chí đáng báo động và nguy hiểm hơn là tham nhũng, lãng phí còn xảy ra cả trong lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, trợ giúp người nghèo, vùng nghèo bị thiên tai, bão lụt với thủ đoạn rất tinh vi, hậu quả nghiêm trọng”, báo cáo cho biết.

Giải pháp “trị” tham nhũng

Giáo sư - Tiến Sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học cho rằng, để chống lại nạn tham nhũng thì Nhà nước pháp quyền phải được củng cố thật sự vững chắc. Luật pháp phải được nhanh chóng bổ sung, nhất là bịt ngay những lỗ hổng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lợi dụng phổ biến những lỗ hổng này, trước hết là bổ sung luật công vụ, vì tham nhũng thường gắn với những người thực thi công vụ các cấp chứ không liên quan đến người dân bình thường.

Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ kiến nghị, cần có nghị quyết của Đảng về chống chạy chức, chạy quyền. Cải tổ hơn nữa quy trình tham mưu về công tác cán bộ, mà theo ông, đây là một trong những trọng điểm dính tham nhũng hiện nay, theo hướng “bàn tay sạch” mẫu mực, chỗ dựa tin cậy của Đảng, niềm tin của dân. Củng cố các Đảng bộ doanh nghiệp, đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ hợp nhất của chính quyền đồng cấp. Ông hiến kế, nên cho thí điểm hoặc áp dụng có chọn lựa việc cử tri nơi đại biểu ứng cử bỏ phiếu tín nhiệm. Áp dụng quyền phúc quyết của cử tri từng bước có ý nghĩa mở rộng dân chủ, tiền đề cho việc cải tổ việc bầu cử sau này.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, hơn lúc nào hết kinh nghiệm cũng chỉ rõ, phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; đề cao vai trò và trách nhiệm của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ông đặt vấn đề, kiên quyết không để có “vùng cấm”, “vùng an toàn”, dù đó là lĩnh vực gì, dù người đó là ai, giữ chức vụ gì, đang công tác hay đã nghỉ hưu.

Trong khi đó, Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương thì cho rằng, phải xóa bỏ đẳng cấp đặc quyền đặc lợi của những người nắm quyền, coi nắm giữ quyền lực chỉ là nghĩa vụ, bổn phận do dân ủy thác, ủy quyền và nắm giữ chức vụ có thời hạn. Cái căn bản của cuộc sống đối với mọi người là nghề chuyên môn thành thạo, hữu ích cho xã hội, được sử dụng toàn dụng, được đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng. Được như thế có thể chấm dứt, vô hiệu hóa thứ liên minh trục lợi giữa tiền và quyền.

Các nhà khoa học đồng tình việc thành lập Ban Nội chính Trung ương. Tuy nhiên, ai quản lý ban này để trị tham nhũng hiệu quả, chỉ có Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân là quản lý, điều phối; trao cho một lực lượng tài giỏi, công tâm dám chịu trách nhiệm thì ban này “trị” tham nhũng mới hiệu quả.

Hòa Nhân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=372
Quay lên trên