Trong công cuộc đổi mới hiện nay, doanh nhân Việt Nam bằng trí tuệ, bản lĩnh và quyết tâm đã luôn nỗ lực điều hành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Giới doanh nhân ngày càng nhận thức rõ sứ mệnh của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tích cực đóng góp cho đất nước và xã hội.
Ai đó đã ví “thương trường như chiến trường”, quả thật đúng. Làm doanh nhân là luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, những biến động khó lường của thị trường, những bất lợi do ngoại cảnh tạo ra như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái kinh tế… Nhận về mình sứ mệnh của những người tiên phong, khai mở tư duy làm ăn, có nghĩa là sẵn sàng nhận thất bại, nhưng với bản lĩnh “dám làm dám chịu”, biết cách biến “nguy” thành “cơ”, dấn thân cho sự nghiệp, các doanh nhân đã không lùi bước. Từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 có thể nói là quãng thời gian cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu làm tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội. Vậy nhưng “thấy sóng cả, không ngã tay chèo”, nhiều doanh nhân vẫn tìm cách thích ứng với dịch bệnh. Đến nay, sau 2 năm dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế đất nước đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Điều đó cho thấy đội ngũ doanh nhân luôn biết cách “vượt bão”, thể hiện bản lĩnh để hội nhập kinh tế thế giới.
Trong mỗi sự thành công của đội ngũ doanh nhân, bên cạnh trí tuệ và bản lĩnh cá nhân, không thể không nói đến vai trò của Chính phủ, sự song hành của các bộ, ban, ngành, địa phương… đã giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kinh tế đã phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về doanh nghiệp, doanh nhân, thể hiện sự quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Và, bản thân các doanh nhân cũng cần tự đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đi đầu trong chuyển đổi số, nhanh nhạy nắm bắt, tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu, giao thương nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng hóa. Đặc biệt, doanh nhân phải thượng tôn pháp luật, luôn thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, gắn sự nghiệp của mình với lợi ích cộng đồng, vì sự đi lên của đất nước, xã hội.
NHẬT HUY