Tai nạn giao thông (TNGT) để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Chính vì điều này mà bên cạnh ngành chức năng, các ban ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhằm kéo giảm TNGT. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng TNGT vẫn không giảm mà ngược lại còn tăng so với trước. Để không còn nỗi đau do TNGT gây ra, cùng với các giải pháp của ngành chức năng, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho chính mình và mọi người.
TNGT là điều khó có thể tránh khỏi trong một xã hội mà giao thông đóng vai trò quan trọng điều phối, lưu thông hàng hóa và hành khách từ nơi này sang nơi khác. Nói cách khác, có giao thông ắt có nhiều nguy cơ về TNGT và không một quốc gia nào trên thế giới có thể triệt tiêu hoàn toàn TNGT. Tuy nhiên, nếu có hạ tầng giao thông tốt, được tổ chức vận hành khoa học, ý thức của người tham gia giao thông cao thì TNGT giảm. Ngược lại, hạ tầng giao thông kém, tổ chức vận hành thiếu khoa học, ý thức của người tham gia giao thông không cao thì TNGT tăng là điều dễ hiểu.
Tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, trong những năm gần đây hệ thống hạ tầng giao thông đã được nâng cấp, tổ chức vận hành giao thông từng bước đi vào nề nếp, khoa học, nhưng TNGT vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân dẫn đến TNGT đã được ngành chức năng thống kê, phân tích để có giải pháp khắc phục. Cùng với các nguyên nhân về hạ tầng, phương tiện, tổ chức vận hành thì ý thức của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Thống kê cũng chỉ ra rằng, có rất nhiều vụ TNGT mà nguyên nhân là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, đi sai phần đường làn đường, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, thiếu quan sát khi qua đường, say xỉn vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông… Rõ ràng đây đều là những vấn đề thuộc về ý thức.
Trước tình hình trên, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, một loạt biện pháp đã được các ngành chức năng đưa vào thực hiện. Đó là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; là nâng cao trách nhiệm của các đơn vị kiểm định phương tiện cơ giới; là các đợt ra quân bảo đảm an toàn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông; là việc tuần tra xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn… Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể cũng đã vào cuộc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tất cả đều hướng tới một mục đích chung là kéo giảm số vụ TNGT, đem lại sự bình yên cho mỗi gia đình.
Để xua tan “bóng ma” TNGT, bên cạnh các giải pháp mà ngành chức năng đã và đang thực hiện, mỗi người khi tham gia giao thông cần tuân thủ đúng các quy định về an toàn giao thông. An toàn không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người cùng tham gia giao thông. Nếu mỗi người tham gia giao thông đều làm được điều đó, tin chắc rằng TNGT sẽ giảm.
LÊ QUANG