Bảo đảm an toàn giao thông: Từ giáo dục kỹ năng và kiến thức trong nhà trường

Cập nhật: 03-10-2013 | 00:00:00
Những năm gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) đã trở thành vấn nạn của xã hội. Để giải quyết vấn đề an toàn giao thông (ATGT) quốc gia, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng công tác giáo dục về ATGT cho học sinh (HS) ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường ở các cấp học. Trong khi đó ở tỉnh ta, nhiều HS chưa đến tuổi được cấp giấy phép lái xe đã được gia đình mua xe phân khối lớn để đi học.  

 Phần thi đoán biển báo giao thông tại Hội thi An toàn giao thông khối trường học tỉnh Bình Dương năm 2013

 Phần thi đoán biển báo giao thông tại Hội thi An toàn giao thông khối trường học tỉnh Bình Dương năm 2013Người lớn cần ý thức hơn Hàng ngày trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những HS mặc đồng phục có mang phù hiệu trường mình học hẳn hoi, vai khoác túi đựng sách vở ung dung điều khiển xe máy đến trường. Nhiều trường cũng đã thực hiện rất tốt quy định nghiêm cấm HS chưa đến tuổi đi xe máy hoặc đi xe máy phân khối lớn đến trường, thì các em đối phó bằng cách tìm chỗ gửi xe ở các điểm giữ xe tư nhân, các quán nước gần trường… Tình trạng này, một phần lỗi là do sự nuông chiều con, em của các bậc phụ huynh. Bởi đối với nhiều gia đình, việc mua cho con, em chiếc xe máy đi học không còn là gánh nặng kinh tế đối với họ, kể cả ở nông thôn. Điều đáng trách là nhiều phụ huynh đã chiều theo ý thích của con, cho con sử dụng xe máy hoặc sử dụng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi được pháp luật cho phép. Từ đó, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây ra TNGT ở độ tuổi thanh, thiếu niên, HS có chiều hướng gia tăng. Chủ trương không cho phép HS đi xe máy tới trường vừa góp phần ổn định trật tự xã hội, vừa bảo đảm an toàn cho con em mình nên phần lớn phụ huynh đồng tình. Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ HS viện quy định có tính pháp lý của Luật Giao thông đường bộ cho phép công dân đủ 16 tuổi được đi xe máy dưới 50 phân khối và đủ 18 tuổi được điều khiển xe trên 50 phân khối nên vẫn cho phép con em mình đi xe máy và gửi xe bên ngoài trước khi vào lớp. Tăng cường giáo dục kỹ năng và kiến thức về ATGT Tiếp tục thực hiện chủ đề Năm ATGT 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT đã được lực lượng chức năng và các trường học trong tỉnh đẩy mạnh trong HS, SV nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, hạn chế ùn tắc, bảo đảm giao thông thông suốt. Ngay đầu năm học mới (từ ngày 9 đến 14-9-2013), ngành giáo dục - đào tạo tỉnh cũng đã tổ chức Hội thi ATGT và Chạy xe đạp vì ATGT khối trường học năm 2013. Hội thi nhằm tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS trong tỉnh và góp phần nâng cao nhận thức và hành vi về ATGT trong HS. Tại buổi lễ bế mạc hội thi, các em HS được nghe tuyên truyền về ATGT, xem công diễn các tiểu phẩm xuất sắc nhất của hội thi... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cho HS. Trong nhà trường, hầu như chưa có một chương trình giáo dục về ATGT có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả 3 cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông được giới thiệu trong môn giáo dục công dân là chưa đủ. Công tác tuyên truyền đã thực hiện nhưng chưa có chiều sâu nên hiệu quả và sức tác động tới HS còn hạn chế, do đó nhận thức của nhiều HS về vấn đề ATGT còn khá mơ hồ, còn bị xem nhẹ... Do đó, thiết nghĩ để làm chuyển biến nhận thức của HS trong việc chấp hành luật lệ giao thông, ngoài gia đình thì vai trò của nhà trường là hết sức quan trọng - bởi đây là môi trường thuận lợi để HS có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề ATGT nói riêng. Cần có chương trình giáo dục về ATGT ngay từ cấp tiểu học, cùng với các bài học lý thuyết bắt buộc phải có tiết thực hành dành cho HS. Từ đó hình thành ý thức chấp hành tốt luật giao thông cho HS ngay từ khi cắp sách tới trường. Kiểu giáo dục “Mưa dầm thấm đất” sẽ giúp thế hệ trẻ trong tương lai biết sống và làm việc theo pháp luật, vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, như tổ chức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi kết hợp tuyên truyền miệng. Nên tổ chức cho HS xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ TNGT sẽ có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu đã thực hiện những năm gần đây. Về phía gia đình, phụ huynh cần chấp hành tốt luật giao thông, quản lý chặt chẽ con em, nghiêm cấm cho con em sử dụng xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi... Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT. Việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về ATGT cho đối tượng HS, SV, giám sát và xử lý nghiêm HS, SV vi phạm pháp luật ATGT là vô cùng cần thiết, hướng tới mục tiêu: “HS, SV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc pháp luật ATGT”. • HUY VŨ
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên