Đột phá y tế chuyên sâu

Cập nhật: 05-02-2024 | 20:20:30

Với sứ mệnh “Nối dài sự sống cho người dân”, 2 năm qua, ngành y tế tỉnh, mà trong đó chủ lực là Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn miệt mài triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm Y khoa của khu vực Đông Nam bộ. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 Trong thi gian qua, ngành y tế Bình Dương đt đưc nhiu thành tu đáng k trong đt phá y tế chuyên sâu. Trong nh: Y, bác sĩ Bnh vin Đa khoa tnh phu thut cho bnh nhân

 Những bước chuyển mạnh mẽ

Sau đại dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhận lời đề nghị bổ nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh của Tỉnh ủy Bình Dương, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đến nhận nhiệm vụ với yêu cầu “không nhận lương, không nhận phụ cấp”. Bằng niềm đam mê, tình yêu nghề và khát vọng cống hiến, gần 2 năm qua, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu vẫn miệt mài đi về giữa hai miền Bắc - Nam của đất nước để đặt nền móng và xây những viên gạch đầu tiên trong mục tiêu đưa Bình Dương trở thành Trung tâm Y khoa của khu vực Đông Nam bộ.

Với vai trò là người thuyền trưởng của bệnh viện, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đã xác định những khoảng trống cần lấp đầy về kỹ thuật chuyên sâu. Chưa bao giờ phong trào học tập, nâng cao trình độ chuyên sâu, y đức của tập thể, y, bác sĩ bệnh viện lại dấy lên mạnh mẽ như trong thời gian này.

Ghi dấu ấn đầu tiên trong thành tựu y khoa tỉnh nhà là bác sĩ Võ Thái Trung, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình bằng những ca bệnh tái tạo ngón tay cái trong chấn thương dập nát bàn tay. Với tâm niệm “lao vào chỗ chết để tìm ra sự sống”, bác sĩ Trung đã hồi sinh những ngón tay dập nát tưởng chừng như đã “vô phương cứu chữa”. Bác sĩ Trung cho biết: “Đây là một kỹ thuật khó, rất hiếm khi được báo cáo trong và ngoài nước. Chúng tôi đã báo cáo 4 trường hợp điều trị thành công kỹ thuật này. Sau thời gian phẫu thuật 16 - 45 tháng, tất cả các ngón tay cái mới được cấy ghép đều sống, cử động. Bệnh nhân có ngón tay cái mới bảo đảm chức năng, thẩm mỹ bàn tay”.

Tiên phong mở đường cho kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu, PGS. TS.BS Nguyễn Lân Hiếu và ê kíp đã trực tiếp hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật can thiệp bít dù cho nhóm bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh hay can thiệp nội mạch đặt stent cho bệnh nhân hẹp động mạch thận.

Tận dụng cơ hội, tạo diện mạo mới

Trong vai trò là bệnh viện trung tâm của tỉnh, 2 năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tạo ra những đột phá về thành tựu y khoa trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước tiến quan trọng trong hành trình đưa tỉnh trở thành Trung tâm Y khoa của khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt trong 2 năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận tuyến trên nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, như: Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, chạy thận HDF online (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh); đặt catheter tĩnh mạch rốn cho các em bé sơ sinh, hạ thân nhiệt chủ động ở trẻ sinh non (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.Hồ Chí Minh), lấy máu tủy xương làm tủy đồ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)...

 Năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị của 3 chuyên ngành mũi nhọn: Can thiệp tim mạch; điện quang can thiệp (can thiệp mạch, mạch máu ngoại vi, mạch máu não...) và sản phụ khoa.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn triển khai hệ thống Telehealth, tiếp nhận các buổi hội chẩn, bình bệnh án từ các bệnh viện lớn để rút kinh nghiệm chuyên môn. “Hiện nay trăn trở lớn nhất của Ban Giám đốc bệnh viện là phải làm mọi cách để nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ để mang lại mức độ hài lòng cao nhất cho người bệnh. Ngoài việc làm hài lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, Ban Giám đốc bệnh viện cũng luôn trăn trở làm thế nào để nhân viên y tế cũng phải hài lòng”, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ.

Tâm sự về nghề, bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trải lòng: “Làm thầy thuốc không phải là một cuộc dạo chơi vui thú. Đó là một con đường lắm chông gai, những mũi gai nhọn đó không phải lúc nào cũng nhìn thấy và tránh được. Cứu được ngàn người không nhận được một lời khen ngợi, nhưng chỉ thất thoát một ca bệnh thôi thì có khi thân bại danh liệt, ôm hận suốt đời… Nghề y là một nghề cao quý, bảo vệ sinh mệnh con người là một nhiệm vụ hàng đầu”.

 Thành tụu y học đột phá của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong 2 năm qua: Ghép cẳng bàn chân cho bệnh nhân bị đứt lìa bàn chân; chuyển ghép các ngón tay, ngón chân; phẫu thuật cắt bướu lớn ở vùng mặt, đầu, cổ; phẫu thuật nội soi cắt u đại tràng, u dạ dày toàn phần, u bàng quang hay u tiền liệt tuyến; đặt máy tạo nhịp, bít dù tim, can thiệp mạch vành. Gần đây nhất, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đã triển khai đơn vị đột quỵ của khoa nội thần kinh để tái thông mạch não bằng thuốc, cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=562
Quay lên trên