Bắt mạch nghịch lý giá lương thực

Cập nhật: 13-07-2012 | 00:00:00

6 tháng đầu năm 2012, giá lương thực, thực phẩm đã giảm liên tục nhưng giá ăn uống ngoài gia đình lại liên tục tăng cao. Chênh lệch giữa giá người tiêu dùng cuối cùng với người sản xuất lương thực, thực phẩm trở nên quá lớn đã tạo thành một “nghịch lý”- trong sản xuất- lưu thông - tiêu dùng, có 2 khâu quan trọng hàng đầu là sản xuất và tiêu dùng thì lại chịu thiệt thòi nhất.

Đây là vấn đề cần được quan tâm xem xét.

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến tốc độ tăng/ giảm giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình trong 6 tháng đầu năm 2012 như sau:

  Chỉ số giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình 6 tháng đầu năm (%)Theo đó, giá lương thực đã giảm liên tục trong 6 tháng và tính chung 6 tháng đã giảm 4,68%- một hiện tượng hiếm thấy trong cùng kỳ từ trước tới nay, bởi giá lương thực thường tăng lên, thậm chí tăng khá cao vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc và trong thời kỳ giáp hạt kéo dài nhất trong năm đối với các tỉnh phía Bắc.

Giá thực phẩm tăng cao lên trong 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán - là diễn biến bình thường trong nhiều năm qua, nhưng cũng đã giảm liên tục trong 4 tháng sau đó (kể từ tháng 3). Tính chung 6 tháng, giá thực phẩm chỉ tăng 1,4% - thấp chỉ bằng hơn một nửa tốc độ tăng giá tiêu dùng chung.

Trong khi đó, giá ăn uống ngoài gia đình lại tăng liên tục trong 6 tháng và tính chung 6 tháng đã tăng 6,66% - một tốc độ tăng khá cao so với tốc độ tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,09%), cao gấp hơn 2,6 lần tốc độ tăng giá tiêu dùng chung (2,52%).

Giá lương thực giảm mạnh, giá thực phẩm tăng thấp, nhưng giá ăn uống ngoài gia đình lại tăng liên tục, với tốc độ cao, được lý giải bằng nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do lương thực, thực phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng đã qua khá nhiều khâu trung gian và giá đã tăng lên qua các khâu trung gian đó với mức độ khác nhau (bao gồm người mua gom ở nông thôn, trực tiếp từ các hộ sản xuất, từ các chợ nông thôn; người vận chuyển từ nông thôn ra các chợ đầu mối hoặc các chợ ở khu vực thành thị; những người sơ chế thực phẩm và những người bán hàng ăn uống, người cho thuê quầy bán hàng...).

Cần lưu ý, chênh lệch giữa giá người tiêu dùng cuối cùng với người sản xuất lương thực, thực phẩm (thông qua việc so sánh giá một bát phở, một bát bún, một suất ăn, ngay cả 1kg thịt lợn, thịt gà, quả trứng chưa qua chế biến) vốn đã quá lớn; việc tăng giá với tốc độ lớn, nhỏ khác nhau cũng cần xem xét lại, huống hồ lại tăng/giảm trái chiều nhau, thì đó là một nghịch lý. Trong quá trình sản xuất- lưu thông, tiêu dùng, có hai khâu có tầm quan trọng hàng đầu là sản xuất và tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất.

Và đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng quan tâm xem xét.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như vận động những người tham gia vào quá trình mua bán, vận chuyển và cả người tiêu dùng lương thực, thực phẩm cần hướng về người trực tiếp sản xuất đang phải làm việc “lấy công làm lãi”, đó là những nông dân, ngư dân, để chia sẻ phần giá trị tăng thêm cho họ, tránh mọi sự bắt chẹt về giá cả.

Nhà nước cần có chính sách đầu tư, phát triển, để người sản xuất có năng suất lao động cao hơn, trên cơ sở đó giảm giá thành sản xuất sản phẩm để họ có lãi thực.

Công tác thanh tra, kiểm tra giá cả cần được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, để tránh các khâu trung gian lợi dụng vị thế, bắt chẹt nông dân. Công tác thuế cần soát xét lại mức thuế trong các khâu, trong đó đáng chú ý là khâu bán hàng cuối cùng, đặc biệt là đối với các chủ có cửa hàng, quầy hàng cho thuê, để bảo đảm sự công bằng trong việc nộp thuế.

Nếu nói mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế, thì đây cũng là “nghịch lý” chung. Khâu sản xuất thì trong một thời gian dài khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cao làm phát sinh nợ xấu. Khâu tiêu dùng, thì do giá còn cao, do thu  nhập, sức mua có khả năng thanh toán tăng chậm, thậm chí của một bộ phận do thất nghiệp, thiếu việc làm còn bị giảm, nên sức mua thấp.

Đây cũng là “điểm nghẽn” lớn của nền kinh tế cần lời giải. Ở đây, xin nêu một số giải pháp.

Đó là giảm mặt bằng lãi suất, tập trung vào mục tiêu hạ lãi suất cho vay. Cơ cấu lại nợ theo các nội dung của Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Việc đưa lãi suất cao của các khoản vay cũ về dưới 15% của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp tích cực, cần phải thực hiện khẩn trương, đầy đủ. Xem xét các điều kiện cho vay để đẩy vốn hỗ trựo sản xuất kinh doanh, thị trường, nhưng không làm cho lạm phát cao trở lại và tăng nợ xấu. Khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý nợ xấu, trên cơ sở phân loại nợ, xác định các nguồn, xác định các loại nợ xấu cần cứu (không cứu những khoản nợ xấu do yếu kém chủ quan của ngân hàng hay của doanh nghiệp, các khoản nợ thuộc loại gần như đã mất, không thể thu hồi được)…

Để khắc phục “điểm nghẽn” trong khâu tiêu dùng, các doanh nghiệp cần giảm giá bán mạnh hơn nữa vừa để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, vừa thu hồi vốn để trả nợ cũ có lãi suất cao, vay nợ mới có lãi suất thấp hơn, để quay nhanh vòng vốn, vừa tránh bị phá sản hoặc bị các nhóm lợi ích thôn tính… Đẩy nhanh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đưa hàng về nông thôn; hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu… Hỗ trợ đầu tư công trình theo chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các công trình kiên cố hóa kênh mương, kiên cố hóa mặt đường, nước sạch… để vừa giảm tồn kho vật liệu xây dựng, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư…

Theo Chinphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên