Các đề án bảo đảm chất lượng, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 30-12-2020 | 11:06:57

Năm 2020, các chương trình, đề án khuyến công được triển khai đa dạng theo các nội dung được quy định tại NĐ 45 CP. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ chính sách khuyến công đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao từ nguồn kinh phí khuyến công, các đề án bảo đảm về khối lượng và chất lượng.


Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp nghiệm thu máy móc tại các DN trong năm 2020

Nhiều chương trình thiết thực

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song ngành công thương đã tích cực chủ động làm việc với các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), hiệp hội ngành hàng, phòng kinh tế các huyện, thị và thành phố trong tỉnh để triển khai các chương trình, nội dung và định mức hỗ trợ từ hoạt động khuyến công năm 2020.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, năm 2020 tổng kinh phí khuyến công được giao thực hiện trong năm là 4.630 triệu đồng. Phòng đã hoàn thiện các đề án chi tiết trình Sở Công thương thẩm định và phê duyệt được 20 kế hoạch, đề án với kinh phí thực hiện là 4.257 triệu đồng. Trong đó vốn đối ứng của cơ sở CNNT là 19.414 triệu đồng.

Trên cơ sở nguồn kinh phí phân bổ, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn cho 160 người là cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Bàu Bàng, TX.Tân Uyên. Các lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu thiết thực giúp cho các cơ sở CNNT đang hoạt động trên đại bàn nắm bắt những chính sách, văn bản về khuyến công, từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ nhằm tận dụng nguồn kinh phí của Nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng kinh phí thực hiện là 2 tỷ 974 triệu đồng. Trung tâm đã xây dựng trình Sở Công thương phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 9 DN, cơ sở CNNT. Kinh phí đề nghị phê duyệt thực hiện 2.674 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 19 tỷ 414 triệu đồng.

Ngành công thương đã hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm công nghiệp ra thị trường thông qua chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu với kinh phí thực hiện là 482 triệu đồng. Trong năm, ngành công thương đã thực hiện tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Kết quả, hội đồng đề nghị UBND tỉnh công nhận 27 sản phẩm của 24 cơ sở là sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần V năm 2020 và đề cử 27 sản phẩm được công nhận tham dự bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Trên cơ sở đó, ngành hỗ trợ các đơn vị gửi sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Nam tại Vĩnh Long và có 13/27 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực… Trung tâm cũng hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung và Tây nguyên tại tỉnh Quảng Bình, giới thiệu và trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu qua các kỳ bình chọn.

Nhìn lại kết quả đã qua, bà Khánh Duyên cho biết năm 2020 các chương trình, đề án khuyến công được triển khai một cách đa dạng theo các nội dung được quy định tại NĐ 45 CP. Công tác hỗ trợ DN từ chính sách khuyến công đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao từ nguồn kinh phí khuyến công, các đề án bảo đảm về khối lượng và chất lượng. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT hiểu biết, tiếp cận với các nội dung của chính sách, từ đó tích cực chủ động tham gia; giúp cho các cấp, các ngành nắm bắt được các chủ trương quy định về khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia các chương trình đạt hiệu quả thiết thực.

Trong năm, có sự can thiệp điều chỉnh từ nguồn kinh phí địa phương, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời và đúng chủ trương của UBND tỉnh, góp phần hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đầu tư có hiệu quả vào hoạt động sản xuất CNNT, tạo sức lan tỏa từ chính sách khuyến công đối với nhu cầu của DN trên địa bàn.

Các chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở CNNT để mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngày càng có chất lượng cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư có hiệu quả sản xuất CNNT một cách bền vững, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn.

Vượt khó, nâng cao hiệu quả

Nhìn nhận về các khó khăn, bà Khánh Duyên cho biết các cơ sở CNNT phân bố rải rác, không tập trung nên cộng tác viên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận hướng dẫn xây dựng, đề xuất chương trình cũng như hướng dẫn thực hiện đề án khuyến công. Thêm vào đó, kinh phí khuyến công được cấp hàng năm là tương đối thấp so với nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của các cơ sở CNNT, từ đó chưa phát huy hết hiệu quả của chính sách, vì vậy không thể huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển CNNT.

Nội dung hoạt động khuyến công Bình Dương chưa đa dạng ở tất cả các tiểu mục như thành lập DN, hỗ trợ khai thác chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của vấn đề được cho là tại các địa phương cấp huyện, thị, thành phố chương trình khuyến công chưa được đưa vào kế hoạch công tác hàng năm mà chủ yếu là phối hợp thực hiện các đề án, chương trình do trung tâm xây dựng và triển khai.

Nhân sự mạng lưới cộng tác viên hiện nay chủ yếu là chuyên viên các phòng kinh tế các huyện, thành phố, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian, địa bàn phụ trách rộng nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Mặc khác, cộng tác viên được thành lập và thay đổi liên tục hàng năm nên hiệu quả hoạt động chưa cao, nhất là sự am hiểu về chính sách cũng như cách thức tiếp cận tư vấn cho DN.

Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa nắm được cơ chế, chính sách ưu đãi trong công tác khuyến công, do đó chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh khuyến khích phát triển CNNT.

Xác định mục tiêu luôn đồng hành cùng DN, trung tâm sẽ triển khai, mở rộng nhiều nội dung hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nội dung của hoạt động khuyến công với kinh phí dự kiến thực hiện là 8.448 triệu đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2020, dự kiến sẽ bao gồm chương trình nâng cao năng lực quản lý với kinh phí 240 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn là 5,5 tỷ đồng. Chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là 600 triệu đồng. Chương trình tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT là 70 triệu đồng; chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công là 80 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường là 800 triệu đồng. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công là 358,2 triệu đồng.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=610
Quay lên trên