Cần khuyến khích sáng tạo

Cập nhật: 30-05-2012 | 00:00:00

“Chúng tôi đã chứng tỏ là người Việt Nam cũng có thể sáng tạo và nắm bắt công nghệ tiên tiến không kém gì các nước khác!”, Nguyễn Tuấn Huy, 32 tuổi, Giám đốc Công ty Emobi Games, nói. Nửa năm trước, khi game “Điện Biên Phủ 7554” ra mắt, các tác giả của nó tại Công ty Emobi Games cảm thấy vui sướng và mãn nguyện. Được ca ngợi là PC game thế hệ mới đầu tiên Việt Nam tự sản xuất, “Điện Biên Phủ 7554” cũng là trò chơi điện tử đầu tiên ở trong nước sử dụng công nghệ thiết kế 3D hiện đại.

Trong trò chơi này, người chơi sẽ vào vai các bộ đội Việt Nam chiến đấu chống lại quân Pháp. Thế nhưng, dù đã kết hợp của cả hai “độc chiêu” là tinh thần dân tộc và công nghệ 3D, Điện Biên Phủ vẫn không mang lại được hiệu quả về kinh tế. Bán được chừng 5.000 bản ở Việt Nam và 500 bản ở nước ngoài, Emobi Games thu được chừng 1 tỷ đồng, tức khoảng 50.000 đô-la, tương đương 6% chi phí làm game. Hiện các nhà lập trình của Emobi Games đang chuẩn bị đưa ra game mới mang tên “2112”, lần này là game trực tuyến. Nguyễn Tuấn Huy và 28 đồng sự là đội hình tiêu biểu cho một thế hệ mới các doanh nhân Việt Nam, những người không ngại thách thức và nhanh chóng bắt kịp các trào lưu hiện đại.

Thống kê chưa đầy đủ cho biết có hơn 750 công ty phần mềm ở trong nước với trên 35.000 nhân viên. Trong số đó 150 đang làm gia công (outsourcing). Việt Nam được cho là 1 trong 5 thị trường “outsourcing” sôi động nhất châu Á. Các công ty Việt Nam đang gia công không những phần mềm và game cho các công ty nước ngoài, mà còn bắt đầu xuất khẩu rất nhiều phần mềm ứng dụng (apps) cho điện thoại di động ra thế giới. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Charles Speyer, đồng sáng lập Công ty Glass Egg Digital Media (chuyên gia công game và phần mềm) đang hoạt động tại Việt Nam, tuy tiềm năng thì có nhiều, nhưng thị trường sáng tạo ở Việt Nam cần nhiều thời gian vì hệ thống giáo dục chưa theo kịp. “Hệ thống giáo dục hiện tại chưa khuyến khích được sáng tạo và tôi cũng chưa thấy có gì thay đổi lớn trong lĩnh vực này trong tương lai gần”, ông Charles nói.

“Khả năng sáng tạo của người Việt Nam không thua bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, thậm chí là còn có những ý tưởng độc đáo hơn các nước”, Nguyễn Long, một người viết phần mềm đang được nhắc đến nhiều tại TP.HCM, nhận định. Long mới 23 tuổi và còn là sinh viên, nhưng đã là tác giả của 17 apps cho điện thoại Blackberry, trong có SayIt, phần mềm nhận dạng giọng nói khá nổi tiếng. Long cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chúng ta chỉ dừng lại ở việc gia công phần mềm là do các ý tưởng của người Việt chưa được Nhà nước hỗ trợ chứ chưa nói đến đầu tư. Chính vì thế, ngay cả bản thân em cũng sẽ sang nước ngoài để phát triển khả năng của mình cũng như mở công ty riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.

Mới đây, Quốc hội cũng đã tranh luận về Luật Giáo dục đại học và đa số ý kiến cho thấy vẫn chưa thể thông qua; vì ngay cả quyền tự chủ của trường đại học vẫn là sự dùng dằng giữa “cho” và “không cho” như một thứ “đặc ân”. Điều đó cho thấy có thể chia sẻ phần nào những băn khoăn như Nguyễn Long, Nguyễn Tuấn Huy và cả của ông Charles Speyer về bài bản của chuyện “giáo dục khuyến khích sáng tạo”...

HỒNG PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=266
Quay lên trên