Chi đội 1 - Mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang Bình Dương

Cập nhật: 23-09-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Chiến khu An Sơn

Cái tên Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ gắn liền với vùng đất An Sơn (xã An Sơn, TX.Thuận An). Đây là hậu phương trực tiếp của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh bởi có địa bàn mang tính chiến lược vì tiếp giáp với Sài Gòn, sát nách với mặt trận cầu Bến Phân và ở đâu trên vùng đất này cũng hừng hực khí thế chuẩn bị kháng chiến và phục vụ chiến đấu hết lòng của nhân dân. An Sơn chính là căn cứ kháng chiến đầu tiên của các tỉnh và là một trong những căn cứ đứng chân của lực lượng kháng chiến miền Đông Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

An Sơn quật cường

Vùng quê An Sơn vốn hiền hòa, nó giống như một cù lao nhỏ, xanh thẫm màu xanh của vườn cây ăn trái và được bao bọc bởi sông rạch, cùng nhiều kênh mương len lỏi khắp ruộng vườn, xóm ấp. Trải qua bao thăng trầm, nay xã An Sơn có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đường sá được đầu tư thông thoáng, đời sống người dân nâng lên rõ rệt… nhưng nó vẫn là một An Sơn hiền hòa, yên ả.

Ông Đinh Văn Bê kể chuyện người dân An Sơn nuôi bộ đội thời chống Pháp

Nhưng bên trong sự hiền hòa, yên ả đó, vùng đất An Sơn rất giàu truyền thống cách mạng, người dân luôn hừng hực khí thế, giàu ý chí chống giặc ngoại xâm. Ông Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn tự hào cho biết, với địa thế sông rạch chằng chịt, vườn cây nối tiếp, lại giáp với Sài Gòn nên An Sơn không chỉ là nơi sớm trở thành căn cứ kháng chiến của huyện, tỉnh mà còn là nơi trú ém quân tốt cho các đơn vị chủ lực trước và sau mỗi đợt tiến đánh căn cứ của địch ở Sài Gòn. Người dân An Sơn lại rất giàu ý chí chống giặc ngoại xâm. Năm 1936, Chi bộ Đảng Cộng sản An Sơn đã ra đời, nhiều quần chúng cốt cán, ưu tú trong phong trào đấu tranh được kết nạp vào Đảng.

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Ở miền Đông Nam bộ, trung tâm khởi nghĩa là Hóc Môn, Bà Điểm của tỉnh Gia Định, sau đó lan nhanh ra các địa phương xung quanh. Do phong trào cách mạng ở An Sơn có quan hệ mật thiết với địa bàn Hóc Môn nên một số đồng bào đã qua sông Sài Gòn kéo về Hóc Môn tham gia lực lượng khởi nghĩa. Còn tại An Sơn, cũng ngay trong đêm 23-11, trong xã đã tổ chức cuộc mít-tinh tại ấp An Quới (vườn măng bà Bảy Nghiêu và vườn măng ông Chín Khóm) trong gần một tuần lễ. Truyền đơn cách mạng kêu gọi nhân dân vùng dậy đấu tranh xuất hiện nhiều trên đường các xóm ấp trong xã; cờ Đảng treo khắp nơi trước nhà, trong tiệm quán… Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra chưa đúng thời cơ nên đã thất bại. Địch thẳng tay đàn áp, máu của những người dân yêu nước đã chảy đỏ trên mảnh đất An Sơn trong những ngày này. Mặc dù cuộc kháng chiến bị kẻ thù đàn áp nhưng tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sục sôi, ý chí quật khởi của nhân dân An Sơn càng được tôi luyện, thử thách. Quần chúng càng hướng về Đảng, hướng về cuộc đấu tranh giành độc lập.

Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân An Sơn hăng hái sản xuất, trồng thêm nhiều hoa màu cứu đói, giúp đỡ các gia đình ổn định cuộc sống và tích cực tham gia chống giặc dốt. Các mẹ, các chị động viên con em vào lực lượng vũ trang; hàng trăm gia đình tự nguyện mua công trái đóng góp quỹ nuôi quân. Lực lượng tự vệ chiến đấu quân (cả trung đội nam và trung đội nữ) phân chia nhau canh gác bảo vệ xóm ấp, nhất là trên đường từ cầu Móng vào. Không khí chuẩn bị kháng chiến của nhân dân An Sơn rất nhộn nhịp, khẩn trương ngay từ khi quân Pháp có những hành động khiêu khích chính quyền cách mạng ta ở Sài Gòn.

Ngay trong ngày 23-9-1945, trên các địa bàn xung quanh nội ô Sài Gòn, đáp lời kêu gọi của Ủy ban Hành chính Nam bộ, lực lượng tự vệ cùng nhân dân dựng các chiến lũy để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp. Tại mặt trận cầu Bến Phân - An Phú Đông (Gò Vấp), các đơn vị LLVT của tỉnh Thủ Dầu Một đã sát cánh cùng quân dân Sài Gòn lập chiến lũy, anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch. Là địa bàn tiếp giáp với Sài Gòn, sát nách với mặt trận cầu Bến Phân, An Sơn và các xã lân cận của Lái Thiêu, An Sơn đã trở thành hậu phương trực tiếp của LLVT tỉnh khi tham gia chiến đấu tại mặt trận cầu Bến Phân hoặc làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan của tỉnh. Mặt trận cầu Bến Phân càng quyết liệt thì An Sơn càng tăng thêm sức người, sức của đưa ra mặt trận.

Ngày 23-10-1945, quân Pháp chiếm thị xã Thủ Dầu Một. Một tuần sau đó, quân Pháp tập trung lực lượng mở cuộc tiến công chiếm thị trấn Lái Thiêu. Bộ đội ta trên mặt trận cầu Bến Phân trong ngày 30-10 đã anh dũng chống trả quyết liệt, sau đó rút lui về các ngã; trong đó, một bộ phận lực lượng của tỉnh rút về xã An Sơn xây dựng căn cứ. An Sơn trở thành căn cứ kháng chiến đầu tiên của các tỉnh và cũng là một trong những căn cứ đứng chân của lực lượng kháng chiến miền Đông Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Dân nuôi bộ đội

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ được thành lập tại xã An Sơn, quận Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An) là một tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ, do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám 1945; là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng 3 thứ quân, đánh địch trên khắp các địa bàn của tỉnh. Từ đây cũng đánh dấu thời kỳ mới về sự hình thành của LLVT Bình Dương, lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Trải qua bao thăng trầm, Chi đội 1 vẫn là mốc son chói lọi của lịch sử LLVT tỉnh.

Trong cơn mưa rả rích những ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Bê (tự Ba Chí), người được xem là nhân chứng lịch sử cho giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi đến chống Mỹ của vùng đất An Sơn này. Ông cũng nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nhiều năm trước đây. Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm ẩn mình trong vườn cây xanh ngắt, ông đã sôi nổi kể về truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân nơi đây.

Những năm đó ông khoảng 13, 14 tuổi; ông tham gia đội văn nghệ của xã nên ít nhiều nắm được tình hình ở địa phương. Ông Bê cho biết, ở An Sơn, mà nổi tiếng nhất là ấp An Quới, đi đến đâu cũng thấy hừng hực khí thế chuẩn bị kháng chiến. An Sơn là nơi trú quân, luyện quân của các đơn vị trước khi ra mặt trận hay sau mỗi đợt chiến đấu rút ra để tạm củng cố nên ở ấp An Quới cứ 4 gia đình thì có 1 gia đình nuôi bộ đội. Đặc biệt, cả An Sơn nhà nhà làm bánh ổ gửi về tỉnh để đưa ra mặt trận phục vụ bộ đội chiến đấu. Hàng ngày, chủ các lò đường cùng nhân dân đóng góp mật, đường giao cho phụ nữ phân chia đến tận các gia đình làm bánh ổ. Các chảo nấu đường được dùng để nấu cơm nuôi bộ đội. Tại các cửa ngõ mỗi nhà đều để sẵn nhiều vắt cơm, gói muối tiêu, khạp nước, bộ đội hay nhân viên kháng chiến đi ngang qua cứ lấy dùng mà không phải hỏi chủ nhà. Hầu hết thương binh từ mặt trận cầu Bến Phân chuyển qua sông Sài Gòn đưa về An Sơn chăm sóc. Mọi công tác nuôi quân do nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, vì vậy, anh em thương binh thường gọi An Sơn là Chiến khu An Sơn và cái tên gọi thân thương này ra đời từ đó. Những người chiến sĩ dù trong LLVT của tỉnh hay bất cứ đơn vị nào của lực lượng kháng chiến Nam bộ từ mặt trận về Chiến khu An Sơn cũng được nhân dân hết lòng chăm sóc, yêu thương.

Ngày nay, An Sơn đã thay da đổi thịt; đường sá đã bê tông, nhựa nóng. Bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng phát triển. Nhưng cái tình, cái nghĩa của người dân An Sơn vẫn không thay đổi, vẫn chân chất thật thà và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như bao đời nay.

Kỳ 2: Niềm tự hào của lực lượng vũ trang tỉnh

T.THẢO – N.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=314
Quay lên trên