Tại hội nghị thường niên năm 2012 với chủ đề Rủi ro trong ngành lúa gạo ở châu Á do Diễn đàn quản lý rủi ro phát triển nông nghiệp (FARMD) tổ chức ngày 17-10 ở TP.HCM, diễn giả đến từ nhiều quốc gia cho biết, nếu muốn đảm bảo an ninh lương thực thì nên tập trung đầu tư trực tiếp cho người nông dân thay vì đầu tư dàn trải trong nông nghiệp.
Ông Raul Montemayor, đại diện liên đoàn các hợp tác xã nông dân đến từ Philippines cho biết, trước đây Philippines phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhập khẩu gạo.
Đầu tư dàn trải trong nông nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao khi việc nhập khẩu phải thông qua nhiều tầng lớp trung gian và quan trọng hơn là an ninh lương thực không được đảm bảo bởi giá lúa gạo thế giới thường xuyên biến động.
Trước tình hình đó, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu, chính phủ Philippines đã tạo ra cơ chế, chính sách nhằm thu hút người nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp, để từ đó dần bảo đảm, tự túc lương thực trong nước.
Ông Udhoro Kasih Anggoro, Tổng Giám đốc Tổng Công ty lương thực (Bộ Nông nghiệp Indonesia) cho biết, nhằm từng bước bảo đảm lương thực cho một quốc gia đông dân như Indonesia, chính phủ nước này đã dành một số khoản đầu tư cho nông nghiệp và tiến hành trợ cấp cho người trồng lúa.
Ngoài ra, Indonesia có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi, cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho người trồng lúa.
Luật ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của Indonesia quy định chính phủ sẽ cấp 10.000 ha đất sạch đối với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp đưa ra dự án khả thi.
Nhằm tránh rủi ro cho người nông dân, Indonesia cũng kêu gọi doanh nghiệp bảo hiểm tham gia lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, giống như đa phần các quốc gia châu Á khác, đến nay doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa mặn mà với nông nghiệp do lợi nhuận mang lại chưa lớn nhưng lại có độ rủi ro cao.
Trong khi đó, bà Apiradee Yimlamai, Giám đốc trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan khẳng định, thời gian qua giá vật tư đầu vào nông nghiệp liên tục tăng gây khó khăn cho người nông dân, và đây là vấn đề lớn mà chính phủ các nước cần đưa ra giải pháp bình ổn.
Bà Apiradee Yimlamai còn cho biết thêm: “Tuy nhiên thay vì đưa các giải pháp hữu hiệu thì thời gian qua một số quốc gia lại áp cách trợ giá cho người nông dân. Đây không phải là một biện pháp hay về lâu dài bởi ngân sách nhà nước không cho phép và trợ giá sẽ khiến người nông dân có tâm lý ỷ lại”.
Trao đổi với PV, tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, trong bối cảnh hiện nay thì việc đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ phù hợp với các nước có ngân sách lớn và tỷ lệ người nông dân, ngành nông nghiệp đóng góp trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) không lớn so với những ngành khác.
Riêng với Việt Nam là một nước sát ranh giữa nước nghèo và nước thu nhập trung bình, lại có 70% dân số còn ở nông thôn, 50% lao động ở trong lĩnh vực nông nghiệp, muốn trợ cấp hay đầu tư công cần phải có một khoản tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, lại phải chi cho nhiều nhu cầu an ninh, quốc phòng, giáo dục, cũng theo ông Sơn.
Với những lý do trên nên trong thời gian qua, ngân sách và mức độ đầu tư dành cho nông nghiệp ở Việt Nam rất thấp.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước vẫn có thể có nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển mà không nhất thiết phải có đầu tư công trực tiếp vào nông thôn.
Thay vào đó, theo tiến sĩ Sơn, Chính phủ cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra cần có những chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị "ủng hộ cho nông thôn".
Theo Thanh Niên