Rõ ràng việc kiểm định MBH thật hay dỏm, trách nhiệm đó thuộc về cơ quan chức năng. Việc để MBH dỏm tràn lan trên thị trường trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Anh quản lý thế nào mà để 70% MBH dỏm có mặt trên thị trường? MBH tự do bày bán tràn lan trên vỉa hè, lề đường với giá rẻ bèo mà không dẹp được. Trách nhiệm đó cũng thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước. Thế thì tại sao lại phạt người đội MBH dỏm và người dân làm sao phân biệt được MBH thật, MBH giả…
Từ sự việc nêu trên, chúng ta cùng nhìn lại một số quy định đang được áp dụng mà hầu như tính khả thi không cao, không phát huy được hiệu quả và tác dụng trong thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn như: Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng; Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, trong đó, đáng chú ý, đối với hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng; Thông tư số 33/2012/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Theo đó, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ.
Thiết nghĩ, mọi chính sách, quy định phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Khi thực thi nó có tác dụng điều chỉnh hành vi con người, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết của đời sống xã hội để phục vụ cuộc sống và làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế việc xây dựng những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Những chính sách, quy định không mang tính khả thi hoặc khó khả thi là do những người xây dựng chính sách, quy định tuy giỏi kiến thức pháp luật nhưng còn xa rời thực tế, chưa am tường đời sống xã hội và còn nặng tính văn phòng, bàn giấy!
THÁI PHONG