Ngày 20-2, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực, đổi mới cung cách làm việc, tăng cường giám sát để giảm tối đa tình trạng “chính sách ở trên trời” gây bức xúc cho người dân. Theo ông, “chính sách phải sát với cuộc sống hơn, gần với mặt đất hơn”. Đây là vấn đề cần thiết, góp phần hạn chế những trở ngại không đáng có trên bước đường xây dựng một Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân”.
Những năm gần đây, thực tế vẫn còn có số văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng khó thi hành được vì không phù hợp thực tế, phải chỉnh sửa nhiều lần; cũng bởi một số quy định, “ý tưởng” bất khả thi do quá vô lý, chồng chéo khiến cho người dân phản ứng, không đồng thuận. Đơn cử các quy định như: ngực lép không được đi xe máy trên 50 phân khối; xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ; không được bán thịt động vật quá 8 giờ kể từ khi giết mổ; chỉ “kính thưa”… một người; cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng… xem như không thực hiện nghiêm. Như vậy, việc xây dựng chính sách, luật không thể theo hướng chỉ nhằm quản lý người dân, “ép” phải thực hiện theo ý kiến chủ quan “hễ không quản được thì cấm”! chưa thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 1992. Đó là Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì phải bảo đảm quyền giám sát thực sự của người dân.
Việc nỗ lực, tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước quả là việc làm bình thường và vô cùng cần thiết; đặc biệt là công tác giám sát việc ban hành chính sách, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và thực hiện các luật đã ban hành. Đối với các dự thảo chính sách, cần được người dân tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi, công khai, lành mạnh với cách lắng nghe trọng thị, tiếp thu chọn lọc chắc chắn sẽ tạo đồng thuận xã hội cao. Chính quyền luôn có trách nhiệm tổ chức cuộc sống một cách tốt nhất cho người dân. Chính vì vậy, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gần đây về việc ban hành chính sách, sửa luật “phải dựa trên nguyên tắc là bảo đảm các quyền cho người dân chứ không được dùng luật để làm căn cứ cấm đoán… và phải tạo điều kiện cho người dân” đã được dư luận đồng tình, phấn khởi.
THANH NHÀN