Tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình, lãn công xảy ra tự phát, bắt nguồn từ quan hệ giữa chủ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) vì lợi ích kinh tế, không tuân theo quy định của pháp luật. Có những chủ DN lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước để “lách luật” nhằm giảm chi phí nhân công để đạt lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, nếu nhận thức về pháp luật lao động của NLĐ hạn chế, ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, gây bức xúc đối với chủ DN và khi mâu thuẫn gay gắt, không tìm được tiếng nói chung thì rất dễ xảy ra đình, lãn công.
Đình, lãn công sẽ gây thiệt hại cho cả DN và NLĐ là điều dĩ nhiên. Vì vậy việc tìm những giải pháp tối ưu, khả thi để hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình, lãn công là yêu cầu cấp thiết. Trước hết, đối với ngành, cơ quan chức năng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là việc giải quyết lương, thưởng, phụ cấp, chế độ bảo hiểm, tăng ca, làm thêm giờ cho NLĐ... cùng chia sẻ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ. Là địa phương có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật lao động tới từng DN và NLĐ.
Song song đó là việc tổ chức giám sát thực hiện chính sách lao động ở các DN hay nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội để chấn chỉnh… Bằng nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả đã tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ pháp luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Kết quả là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ đã được xây dựng hài hòa, số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình, lãn công trên địa bàn tỉnh giảm dần qua các năm.
Để hạn chế tranh chấp lao động tập thể, đình, lãn công, ngoài các giải pháp nêu trên thì cần phát huy tối đa vai trò của tổ chức công đoàn từ tỉnh đến cơ sở, chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời có giải pháp không để xảy ra đình, lãn công. Trên cơ sở đó chủ động tham mưu, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ, giải quyết kịp thời ngay từ đầu và không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động NLĐ tham gia. Bên cạnh việc củng cố, nâng chất hoạt động tổ chức công đoàn để phát huy vai trò trong việc bảo vệ, đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ cũng là một trong những giải pháp góp phần hạn chế đình, lãn công.
NHẬT HUY