Chia sẻ bài viết lên facebook

“Chúng ta phải làm hết sức mình vì thương hiệu Bình Dương”

Cập nhật: 12-07-2021 | 14:59:17

(BDO) Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tại cuộc họp sáng 12-7, do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức để nghe báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tham dự cuộc họp còn có đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 


Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp vào sáng 12-7

Duy trì thực hiện mục tiêu kép 

Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất tốt so với bối cảnh chung của vùng và cả nước, tăng đều các lĩnh vực từ 13-15%. Đáng ghi nhận là với gần 70% số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp thuận lợi đã đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn hẳn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020 và cao nhất trong các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bước sang quý III, gần 90% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý 2; 38% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất cao; 52% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất ổn định; 95% doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng và giữ quy mô lao động. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch với kịch bản phòng chống dịch ở mức cao hơn, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Trong công tác phòng, chống dịch, đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bình Dương xuất hiện ca dương tính ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 31-1, từ ngày 27-5 làn sóng dịch lần thứ 4 xuất hiện đến nay tỉnh ghi nhận 1.500 ca mắc trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị, thành phố, 2 ca tử vong; trong đó có 48 công ty trong và ngoài khu công nghiệp với 772 ca bệnh. Tổng số trường hợp F1 đã truy vết được hơn 7.200 và hơn 22.300 trường hợp F2, thực hiện xét nghiệm hơn 57.200 mẫu với khoảng 150.000 người. Hiện các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát. Từ ngày 14-6 đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú; những ca bệnh này được phát hiện ở 46 ổ dịch, chuỗi lây nhiễm có nguồn lây từ TP.Hồ Chí Minh với biến chủng vi rút Ấn Độ, trong đó có 4 ổ dịch đã được kiểm soát; 42 ổ dịch chưa được kiểm soát, 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ các ổ dịch tại TP.Hồ Chí Minh và 12 ổ dịch chưa rõ nguồn lây qua test nhanh tại các cơ sở y tế… 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, dự báo trong 2 tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc mới nâng tổng số ca bệnh lên khoảng 3.000 người. Hiện Ngành y tế đáp ứng năng lực lấy mẫu, xét nghiệm với 450 đội lấy mẫu đảm bảo lấy mẫu nhanh, trả kết quả trong 24 giờ. Năng lực cách ly tập trung có thể mở rộng lên 30.000 giường khi cần thiết. Dự kiến trong từ tháng 7 đến tháng 9, Bình Dương sẽ có khoảng 1 triệu liều vắc xin, năng lực tiêm khoảng 18.000 liều/ngày, như vậy với 1 triệu liều sẽ tiêm trong vòng 2 tháng. Về năng lực điều trị có thể đáp ứng nếu tiếp tục nâng công suất tối đa giường bệnh. Tuy nhiên, năng lực vật tư y tế, sinh phẩm, test xét nghiệm không dù đáp ứng, test PCR hiện đã xử dụng hết, chỉ còn 52.000 test nhanh kháng nguyên.

Bình Dương kiến nghị các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của công tác phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn trong công tác xử lý dịch trong khu công nghiệp. Hỗ trợ về trang thiết bị, máy thở nhân lực, trước mắt chi viện cho Bình Dương 100 - 200 y, bác sĩ, điều dưỡng để điều trị cho tỉnh trong trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng và số lượng người nhiễm tăng cao; cho phép Bình Dương thành lập bệnh viện dã chiến do Bộ Quốc phòng và Quân Khu 7 hỗ trợ.

6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid 19 diễn biến rất phức tạp, nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất khả quan. Các doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn gấp 1,3 lần vốn đăng ký mới và doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn tại các dự án đầu tư tăng gấp 1,8 lần vốn đăng ký mới. Tính từ đầu năm đến ngày 30-6 tỉnh đã thu hút được 56.337 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, 3.428 doanh nghiệp thành lập mới với 24.640 tỷ đồng, 638 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với 31.697 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến ngày 30-6, tỉnh đã thu hút 1,41 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ, gồm: 36 dự án mới, 17 dự án điều chỉnh tăng vốn, 62 dự án góp vốn. Trong cùng thời gian này, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.614 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiện cũng có 794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại trước thời hạn là 91 doanh nghiệp, tăng 60% so với cùng kỳ. 

Giữ vững thương hiệu Bình Dương 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, linh hoạt. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung toàn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất quán quan điểm “chống dịch như chống giặc”, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bình Dương phải giữ vững thương hiệu của tỉnh, chúng ta phải làm nghiêm hơn, chặt hơn nữa. Nói đến tinh thần Chỉ thị 16 là chúng ta đã hy sinh một phần về sản xuất rồi. Mục tiêu kép để chúng ta quyết tâm để cố gắng duy trì những hoạt động có thể chứ không thể toàn diện hết. Vì thế, ưu tiên hiện nay của Bình Dương là phải chống dịch. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, chỉ có các đồng chí ở cơ sở mới nắm được. Hai khâu quan trọng hiện nay là điều tra, truy vết  nhanh, cách ly và xét nghiệm nhanh, diện rộng để làm sao giãn cách theo Chỉ thị 16, trong giãn cách có phong tỏa. Y tế là nòng cốt việc xét nghiệm lấy mẫu, địa phương phải làm điều tra và truy vết. Cần thực hiện xét nghiệm nhanh lấy mẫu để phát hiện F0 trong cộng đồng…

Trong KCN, cần xét nghiệm rộng để đảm bảo cho sản xuất. Một số KCN và nhà trọ có liên quan phải được xét nghiệm. Chúng ta phải chuẩn bị sinh phẩm, test nhanh và kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, các phòng khám, các lực lượng chung tay vào cuộc. Khi tách F0 ra phải khử khuẩn; phối hợp với Quân khu nhưng phải giao cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đội triển khai, cải tiến các xe chuyên dụng để chủ động và cùng với đội y tế dự phòng phun khử khuẩn, làm sạch ở những nhà máy, công ty, phân xưởng và các khu nhà trọ có ca F0. Do đó, phải nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực thu dung điều trị để không lây nhiễm chéo trong khu cách ly, trong bệnh viện. Để bệnh viện lây nhiễm chéo thì chúng ta thất bại rồi. 

Về lấy mẫu phải phối hợp y tế với địa phương chặt chẽ cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Trong KCN có thể lấy mẫu tập trung nhưng ở khu dân cư nên lấy mẫu lưu động và về sau có thể là tiêm chủng lưu động, nhà ai ở nhà nấy, cho xe đến lấy mẫu, nếu hẻm hẹp thì luồn lách bằng xe Honda. 

Về tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã được khử khuẩn sạch thì cho hoạt động bình thường còn chưa đảm bảo, không test nhanh, không xét nghiệm thì kiên quyết tạm dừng sản xuất. Tỉnh cần có kế hoạch tham mưu gặp gỡ các hiệp hội, ngành hàng các nhà đầu tư lớn theo hình thức giãn cách để chúng ta trao đổi, nghe ý kiến của họ và chuẩn bị hậu Covid nhằm tiếp tục xúc tiến đầu tư. Dù có khó khăn bao nhiêu chúng ta cũng phải đương đầu, chúng ta không chủ quan, không hoang mang mà làm hết sức mình vì thương hiệu Bình Dương.

Hiện trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng điều trị được khoảng 2.400 người. Toàn tỉnh có 12 máy RT PCR, với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày, thực hiện xã hội hóa 2 máy xét nghiệm nâng cao năng lực lên trên 100.000 mẫu đơn/ngày. Test nhanh kháng nguyên với năng lực lấy mẫu tối đa 176.000 người/ngày, khoảng 30 phút cho kết quả. Từ tháng 2-2021 đến nay, ngành y tế đã mua sắm trang bị và được tặng 16.500 test PCR hiện đã xử dụng hết, 65.000 test nhanh kháng nguyên hiện còn 52.000 test. Ngoài ra, để có đủ test xét nghiệm đảm bảo nhanh, kịp thời, Ngành Y tế đã thỏa thuận mượn 13.800 test PCR của Công ty Bình Minh thuộc Công ty phân phối Roche và Công ty Vndat. Về năng lực cách ly y tế tập trung, tỉnh có 65 cơ sở cách ly. Trong tiếp nhận nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bố, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin trong 3 đợt cho 43.432 người thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên. Hiện tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4, đã tiêm được cho 3.804 người, trong đó 3.751 người tiêm mũi 1, 53 người tiêm mũi 2.

Kim Hà

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên