Sau chặng đường dài xây dựng, phát triển, thu hút đầu tư, Bình Dương đã trở thành hình mẫu trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp. Mô hình khu công nghiệp (KCN) của Bình Dương, tiêu biểu là VSIP - hình mẫu của KCN xanh đã nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển của các địa bàn đứng chân, từ kinh tế đến xã hội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 KCN được xây dựng với diện tích đất quy hoạch 12.700 ha, trong đó 28 khu đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Số liệu trên cho thấy các KCN hiện hữu của Bình Dương có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Sức hút đó được tạo nên bằng chính hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối… cùng với đó là thủ tục hành chính đơn giản hóa, cùng nhiều quyết sách thông thoáng mà Bình Dương đã thực hiện bấy lâu nay.
Bước tiếp chặng đường phát triển mới với mục tiêu cao hơn, Bình Dương đã và đang sẵn sàng để đón nhận dòng vốn đầu tư chất lượng hơn. Ngoài việc tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bình Dương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, của vùng, Bình Dương còn tập trung cho các công trình giao thông của tỉnh để kết nối một cách thuận lợi nhất.
Ngoài phát triển hạ tầng giao thông, Bình Dương đã và đang triển khai xây dựng nhiều KCN thế hệ mới, chuyên biệt, sinh thái, thông minh để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư tầm cỡ, chất lượng. VSIP III là một trong số đó đã hình thành với những dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch, giá trị gia tăng cao mà dự án Lego là một minh chứng. Cùng với VSIP III, Bình Dương đã tập trung triển khai KCN Khoa học - công nghệ tại Bàu Bàng, KCN chuyên ngành may mặc, gỗ, công nghiệp hỗ trợ… tại các huyện phía bắc. Sự chuyển hướng của Bình Dương trong mời gọi, thu hút đầu tư chất lượng cao, phát triển hệ sinh thái công nghiệp mới được đánh giá là nhanh nhạy, phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Sự chuyển hướng trong thu hút đầu tư, phát triển KCN chuyên biệt, thông minh cũng chính là phục vụ tốt nhất cho chiến lược phát triển thành phố thông minh mà Bình Dương đã và đang tập trung xây dựng.
TRIỆU PHONG