Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân, bước đầu đã thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. CĐS được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung phong phú, đa dạng về hình thức, thiết thực và đạt hiệu quả.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã coi việc thực hiện CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động. Từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện hướng dẫn những cách làm cụ thể thực hiện CĐS từ những việc đơn giản nhất, như tiếp cận và khai thác thông tin trên internet, cài đặt sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động, xây dựng và khai thác các dữ liệu, nền tảng số để thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến, giao tiếp với cơ quan Nhà nước qua môi trường số… Đặc biệt, thông qua thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình được trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng và từng bước nâng cao kỹ năng tiếp cận công nghệ số. Đến nay tinh thần CĐS đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xuất hiện một số mô hình, cách làm hay như hỗ trợ người dân đăng ký định danh điện tử, mô hình hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…
Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định đẩy mạnh CĐS với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số. CĐS với mục tiêu làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng trưởng. Đồng thời, góp phần thay đổi cách sống, làm việc của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”.
Để cụ thể hóa nghị quyết, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao xếp hạng Chỉ số CĐS (DTI) theo kế hoạch của UBND tỉnh. Cụ thể, tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, địa phương đối với việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về CĐS. Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào CĐS theo hướng đồng bộ, thực chất và hiệu quả.
NHẬT HUY