Công bố quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cập nhật: 07-06-2014 | 00:00:00

Tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức công bố Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Quyết định số 252/QĐ-TTg và 245/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, Quy hoạch tổng thể phát triển của hai vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành với trung tâm là TP.HCM cùng với các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Vùng kinh tế này đóng vai trò cầu nối với khu vực ĐBSCL, Tây nguyên, kết nối giao thương với Đông Nam Á và thế giới.

Về phát triển kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hướng tới các mục tiêu chính như, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 8 - 8,5% giai đoạn 2011-2015; 8,5 - 9% giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ từ 95 - 96% GDP. Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tập trung thu hút, phát triển các dự án đầu tư công nghệ cao, hướng đến hình thành trung tâm phát triển nhân lực phục vụ nhu cầu nghiên cứu và phát triển (R&D) của các lĩnh vực công nghệ cao; đồng thời tiếp tục phát triển một số dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, hoàn tất di dời hệ thống cảng Sài Gòn, phát triển mạng lưới đường cao tốc, xây dựng hệ thống cảng dịch vụ đón tàu tải trọng lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu…

Trong định hướng phát triển đô thị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tập trung phát triển chùm đô thị với TP.HCM là trung tâm và hình thành một loạt các đô thị vệ tinh theo mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ phục vụ phát triển công nghệ cao tại Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai); Thủ Dầu Một, Khu liên hợp dịch vụ - đô thị Bình Dương; đô thị trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ cảng Logistic, dịch vụ hậu cần dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu; các trung tâm đô thị dịch vụ, hình thành vùng cây chuyên canh, cây ăn quả, nông nghiệp dịch vụ công nghệ cao tại Long An, Tiền Giang làm cửa ngỏ kết nối với vùng ĐBSCL...

MINH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên