Cùng gửi gắm niềm tin

Cập nhật: 21-05-2013 | 00:00:00

Hôm qua (20-5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu 1 tháng làm việc của QH với nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng pháp luật. Đây là kỳ họp khởi đầu cho hoạt động đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu, phê chuẩn.

Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định 4 vấn đề quan trọng là tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013...

QH sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của QH... Một nội dung quan trọng khác trong kỳ họp này là hoạt động LPTN các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc QH tổ chức LPTN bắt đầu từ kỳ họp thứ 5 đã được cử tri cả nước hoan nghênh và mong đợi ngay sau khi có Nghị quyết số 35 của QH về việc này từ cuối năm 2012.

Có thể nói, người dân đang đặc biệt quan tâm việc LPTN của QH vì việc làm này thể hiện mong muốn của cử tri và quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, uy tín. Do vậy, cử tri không chỉ mong muốn việc LPTN phải bảo đảm công tâm, khách quan, dân chủ, đạt kết quả thực, mà cử tri còn hy vọng những thông tin về hậu LPTN cũng được công khai: Ai được tín nhiệm, ai chưa được tín nhiệm vì lý do, khuyết điểm gì; bên cạnh đó, QH cũng cần nhắc nhở, đôn đốc, giám sát để những người chưa được tín nhiệm sửa chữa khuyết điểm.

Việc LPTN của 49 chức danh tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND, giúp người được LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Do vậy, QH đã yêu cầu các đối tượng được LPTN có bản báo cáo giải trình về kết quả công tác, đạo đức, tác phong của mình, các bản báo cáo này đã gửi đến tất cả ĐBQH. Để có đầy đủ thông tin, ngoài bản báo cáo của các vị được LPTN, các đại biểu còn căn cứ vào kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH về các lĩnh vực của những vị được LPTN phụ trách, đồng thời các đại biểu còn phải dựa trên cơ sở kết quả công tác thực tiễn của mình và đặc biệt là thông qua lắng nghe ý kiến nhân dân để đánh giá, bỏ phiếu chính xác…

Với ý nghĩa đó, hy vọng rằng tại kỳ họp mỗi ĐBQH sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp và khi bỏ lá phiếu tín nhiệm thì thực sự xuất phát từ trách nhiệm của mình với cử tri, đáp ứng được sự kỳ vọng, niềm tin mà nhân dân cả nước đã gửi gắm…

 VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên