“Cuộc chiến” dai dẳng!

Cập nhật: 23-04-2013 | 00:00:00

Có thể nói chống buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là BL-SXKDHG) là “cuộc chiến” dai dẳng nhất trên mặt trận kinh tế, bởi hễ thị trường có chênh lệch giá là có buôn lậu; ở đâu người tiêu dùng (NTD) có nhu cầu về một mặt hàng nào đó là ở đó xuất hiện hàng gian, hàng giả; ở đâu NTD lơ là cảnh giác đều có thể bị “móc túi”! BL-SXKDHG đem lại lợi nhuận cao nên các cá nhân, tổ chức BL-SXKDHG không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để qua mặt lực lượng chức năng, trong khi mức chế tài xử phạt các hành vi này còn thấp, khiến “cuộc chiến” chống BL-SXKDHG vẫn cứ kéo dài dai dẳng và chưa có hồi kết!

Nếu liệt kê thì bất cứ loại hàng hóa  nào cũng có thể bị các đối tượng BL-SXKDHG “chiếu cố”, từ những mặt hàng có giá trị cao như kim cương, vàng… đến những mặt hàng có giá trị thấp như bịch bột ngọt, chai sữa tắm… Tuy nhiên, các loại hàng hóa thường bị đối tượng BL-SXKDHG chú ý nhiều nhất vẫn là những mặt hàng có sự chênh lệch giá cao giữa thị trường nơi này với nơi khác hoặc có sức hút mạnh từ NTD, tùy vào từng thời điểm khác nhau. Các mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá, xăng dầu thường “chảy” mạnh qua biên giới khi giá cả trong và ngoài nước có sự chênh lệch cao; hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất vào các dịp lễ, tết. Ngay như vàng - mặt hàng có giá trị cao được Nhà nước đưa vào diện quản lý đặc biệt hay thuốc phiện - mặt hàng có thể khiến người buôn lậu lãnh án tử hình khi bị phát hiện, vẫn có kẻ sẵn sàng đánh đổi gia sản và tính mạng để buôn bán, vận chuyển trái phép!

Đối tượng BL-SXKDHG từng được các ngành chức năng “điểm mặt, chỉ tên”. Đó có thể là một cá nhân với những hành vi mang tính tự phát; có thể là một tổ chức núp bóng công ty, doanh nghiệp rồi làm ăn phi pháp; có thể là cả một bộ máy quy mô với hệ thống chân rết trải rộng, làm ăn có tổ chức như một tập đoàn… Đối tượng BL-SXKDHG tuy có khác nhau, nhưng mục đích hướng đến của các đối tượng này thì hoàn toàn giống nhau: Lợi nhuận. Do mang lại lợi nhuận cao nên hoạt động BL-SXKDHG trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng thời gian gần đây có xu hướng gia tăng về số vụ, đa dạng về hình thức và ngày càng tinh vi khó lường! Năm 2012, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 22.790 vụ, phát hiện 10.144 vụ có biểu hiện vi phạm BL-SXKDHG, tăng 58 vụ so với năm trước đó. Trong đó, 5.959 vụ vi phạm bị xử phạt tiền, truy thu thuế và xử lý hàng hóa tịch thu với tổng số tiền lên đến 400 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm trước.

Hậu quả của hoạt động BL-SXKDHG đối với nền kinh tế là vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng tình trạng thất thu thuế, phá hoại sản xuất trong nước, xâm hại quyền lợi của NTD bởi các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Đơn cử, nạn buôn lậu gia cầm tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong những ngày gần đây ngoài vấn đề phá hoại sản xuất trong nước, còn tạo điều kiện cho dịch bệnh thâm nhập! Vì vậy, công tác chống BL-SXKDHG cần được đặc biệt quan tâm với những chế tài mạnh hơn. Hy vọng Luật Xử lý vi phạm hành chính, với các quy định rõ ràng, có hiệu lực từ 1-7-2013 đã được Quốc hội thông qua sẽ là thanh “bảo kiếm” loại trừ hữu hiệu vấn nạn BL-SXKDHG vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=356
Quay lên trên