Dấu ấn khuyến công

Cập nhật: 19-03-2013 | 00:00:00

   Công nhân đan ghế nhựa tại Công ty Tuấn Linh (Tân Uyên), sản phẩm được cấp bằng CNNT tiêu biểu cấp khu vực

 Đồng hành cùng DN

Ông Phạm Văn Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Tuấn Linh (Tân Uyên) cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm KC đã hỗ trợ chúng tôi nhiều trong đào tạo nghề, xây dựng và phát triển thương hiệu… Nhờ đó, góp phần để sản phẩm của công ty được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực. Đây là một bước chuẩn quan trọng để sản phẩm của Tuấn Linh đứng vững trên thị trường”. Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Tư Bốn, đơn vị vừa có sản phẩm bình hoa được cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT cấp khu vực cũng chia sẻ: “Trong lúc DN gặp nhiều khó khăn như: giá cả đầu vào tăng, xuất khẩu khó khăn thì Trung tâm KC đã luôn đồng hành cùng chúng tôi, hỗ trợ DN vượt khó, vươn lên”. Hay như ông Bùi Văn Thanh, Giám đốc Công ty Bùi Thanh Long cũng khẳng định sự đồng hành của Trung tâm KC. Nhờ đó, đã góp sức để sản phẩm sơn mài cẩn vỏ cây và tre của công ty được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT cấp khu vực. Đó là một niềm vui lớn, tạo thêm sức mạnh cho DN đứng vững trên thị trường.

Nhằm quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm cho DN, ngành khuyến công cũng đã đưa các sản phẩm tham gia các hội chợ như: Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Nam tại tỉnh Kiên Giang... Tổ chức gửi sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh tham gia dự thi cấp khu vực. Kết quả có 6/12 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực…

Vẫn còn vướng!

 Trong năm 2012, tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện 12 đề án KC, với kinh phí 1.813 triệu đồng, trong đó, có 1 đề án KC quốc gia với kinh phí là 664,5 triệu đồng và 11 đề án KC địa phương với kinh phí ước thực hiện là 1.148,746 triệu đồng. Tổ chức đào tạo nghề chế biến gỗ và may công nghiệp cho 800 lao động (LĐ) và kết thúc khóa đào tạo, 100% học viên đều được nhận vào làm việc tại các DN. Đào tạo nghề đan mây tre lá, hàn khung sắt định hình và nghề đan sợi nhựa cho 350 LĐ của Hợp tác xã Ba Nhất và Công ty TNHH TM SX XNK Tuấn Linh. Triển khai đề án Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất hàng mây tre lá (lò sấy bằng hơi nước)” cho Công ty TNHH SX TM Quế Phi với kinh phí hỗ trợ là 70 triệu đồng…

Theo ông Lê Văn Chí, Giám đốc Trung tâm KC thì bên cạnh việc đồng hành cùng DN, công tác KC vẫn còn vướng khó khăn. Do đó, các chương trình KC dù đã được triển khai trên địa bàn tỉnh chưa phong phú. Phạm vi, đối tượng áp dụng và ngành nghề được hưởng chính sách KC còn hạn chế. Do số lượng cán bộ làm công tác KC quá ít, không thể trực tiếp tiếp cận, sâu sát với các DN, cơ sở CNNT để nắm bắt tình hình khó khăn thực tế, cũng như nhu cầu cần hỗ trợ. Bởi, phải có đối tượng thụ hưởng kinh phí cụ thể thì mới triển khai xây dựng được các đề án và dự toán chi tiết để xin kinh phí hỗ trợ. Thời gian phê duyệt kinh phí lại kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị thụ hưởng. Còn kinh phí hỗ trợ thì quá ít. DN có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến phải có nguồn vốn đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên thì kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng. Còn chương trình xây dựng mô hình trình diễn, DN phải có tổng vốn đầu tư từ 1.000 - 2.000 triệu đồng thì kinh phí KC hỗ trợ 100 triệu đồng… đã khiến cho các đối tượng thụ hưởng e ngại. Ở một số huyện, thị như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An… dù đã được tập huấn chính sách KC, nhưng từ năm 2006 đến nay, vẫn chưa có chương trình đăng ký thực hiện. Bên cạnh đó, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên các đề án KC sau khi đã được phê duyệt kinh phí, không thể tiếp tục triển khai, mà đành phải trả lại kinh phí.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên