Dấu chân người thầy

Cập nhật: 19-11-2016 | 07:55:47

Truyền thống của người Việt tự cổ chí kim luôn hướng về người thầy và được đúc kết bằng câu tục ngữ quen thuộc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nhớ ơn thầy, trong những ngày này khắp nơi trong nước đang rộn ràng với các hội thi, hội diễn, họp mặt kỷ niệm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Các hội thi, hội diễn, họp mặt là để tôn vinh thầy, nhắc nhở nhau nhớ về công lao của những người thầy đã truyền đạt tri thức, dạy dỗ chúng ta nên người. Trong số những tiết mục văn nghệ đang diễn ra, có không ít tiết mục nói về đức tính của thầy: Cao cả, bao dung, yêu thương, rộng lượng...

 Không có nơi đâu trên dải đất hình chữ S của lãnh thổ Việt Nam thân thương lại thiếu vắng dấu chân người thầy. Từ đồng bằng cho đến núi cao, từ thành thị đến nông thôn, từ đô thị sầm uất đến hải đảo xa xôi… nơi đâu cũng in dấu chân của những người thầy. Dấu chân người thầy hiện hữu khắp nơi chỉ bởi một điều đơn giản, ở đâu có trường lớp ở đó có thầy; ở đâu có học trò ở đó có thầy. Mặc dù thầm lặng nhưng dấu chân người thầy đi đến đâu là ở đó được khai sáng bằng tri thức, từ đó nhân lên ngày càng nhiều những tấm gương con ngoan, trò giỏi.

Thầy thay mẹ, thay cha dẫn dắt ta đi trên con đường hướng tới tương lai tốt đẹp cho chính ta. Nhớ về thầy để tôn vinh hay chỉ để hoài niệm, xin đừng quên thuở mới cắp sách đến trường, thầy không chỉ dạy dỗ mà còn dành trọn cả tình yêu thương và sự bảo bọc cho ta. Thầy tận tụy dồn tất cả công sức vào bài giảng để khai sáng tâm trí của ta. Thầy truyền cho ta niềm tin và nghị lực để đủ sức vươn tới chạm vào ước mơ, biến khát vọng thành hiện thực. Thầy đau khi ta vấp ngã nhưng không quở mắng mà chỉ động viên ta đứng dậy tiếp bước trên con đường đã chọn. Thầy dạy ta nhưng không bao giờ đòi hỏi ta phải trả ơn thầy. Nếu không có sự bao dung, chỉ bảo tận tình và lòng yêu thương vô hạn của thầy dành cho ta thì liệu ta có được như ngày hôm nay?

Chính vì vậy mà từ ngàn xưa, vị trí người thầy đã được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng. Trong suy nghĩ mỗi người Việt, ai cũng khắc sâu trong tâm khảm câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”. Điều đó nói lên rằng, người thầy là người đảm đương trọng trách đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ thành người có ích cho xã hội, sống có nhân nghĩa và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh. Xã hội đã đặt trọn niềm tin vào người thầy trong vai trò “dạy chữ, dạy người” và niềm tin đó đã được lớp lớp các thế hệ những người thầy khẳng định bằng thực tế sinh động.

Ý thức được trách nhiệm cao cả ấy, những người thầy hôm qua, hôm nay vẫn đang tiếp nối nhau thầm lặng cống hiến công sức, cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Ở đâu có trường lớp chắc chắn ở đó có thầy, ở đâu có học trò khát chữ là nơi đó có thầy. Bước chân của những người thầy đang âm thầm tỏa khắp muôn nơi chỉ với một mong muốn duy nhất là đem lại tri thức, gieo con chữ cho đời

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=662
Quay lên trên