Tai nạn lao động (TNLĐ) đã trở thành nỗi đau dai dẳng bởi hậu quả để lại vừa là vết thương về thể xác, tinh thần và cả gánh nặng cho mỗi gia đình, xã hội. Giảm thiểu nỗi đau này, các ngành, các cấp đã và đang nỗ lực kiên quyết xử lý các sai phạm, bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ).
Nỗi đau dai dẳng
Lãnh đạo tỉnh vừa tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà cho các nạn nhân bị TNLĐ. Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ- PCCN) năm 2016. Đợt này, toàn tỉnh có 25 nạn nhân được tặng quà, mỗi phần quà trị giá từ 2 - 4 triệu đồng (tùy mức độ thương tật), kinh phí trích từ ngân sách tỉnh; 200.000 đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Gặp, trao đổi, chứng kiến được cuộc sống hiện tại của các nạn nhân mới hiểu hết hệ lụy do TNLĐ để lại.
Ông Đặng Minh Hưng (trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà, động viên tinh thần anh Nguyễn Thành Sơn (bị TNLĐ với mức độ thương tật 73% tại phường Bình Thắng, TX.Dĩ An)
Ngậm ngùi kể với đoàn, anh Nguyễn Ngọc Loan (SN 1972, phường Tân Bình, TX.Dĩ An) bị TNLĐ với mức thương tật 91% cho biết, tháng 10-2002, đang ngồi nghỉ ở kho chứa hàng của Công ty TNHH Bor Yeuh, anh nghe tiếng ầm ầm từ các lô hàng đổ xuống đã khiến anh bị chấn thương mạnh dẫn đến liệt 2 chân. Nguyên nhân bị TNLĐ là do công nhân lái xe nâng hàng bất cẩn làm đổ hàng loạt kiện hàng đè lên người anh.
Từ một người lành lặn và là trụ cột trong gia đình, bỗng chốc anh trở thành người khuyết tật. Anh không chỉ gánh chịu nỗi đau thể xác mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần vì từ nay anh không biết phải làm gì để chăm lo cho gia đình, vợ con. Được sự quan tâm, động viên của vợ con, mọi người xung quanh, anh cố gắng sống tốt. Giờ đây, anh phụ vợ làm việc nhà, chăm lo cho đứa con trai đang theo học lớp 9.
Dù đã hơn 1 năm kể từ sau vụ TNLĐ xảy ra, anh Nguyễn Văn Sang (SN 1993, phường An Phú, TX.Thuận An) vẫn còn bị nỗi ám ảnh đeo bám. Một lần đang làm việc tại Công ty bao bì nhựa Tiến Phát, do sơ suất, anh bị máy cuốn đứt lìa tay phải. Công ty đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy để nối tay nhưng vô vọng. Vượt qua mặc cảm, anh Sang cố gắng sống vui vẻ, tập làm mọi việc với cánh tay trái để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Anh Sang tâm sự: “Khi mới bị TNLĐ, bản thân tôi rất đau buồn và mặc cảm nhưng cũng phải cố gắng để vượt qua. Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, tôi hy vọng các bạn công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN), nhất là làm những công đoạn nguy hiểm nên mang bảo hộ lao động. Mặt khác, các bạn nên chú ý vào công việc để không bị TNLĐ. Bởi bị TNLĐ không chỉ bản thân chịu đau đớn mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Hạn chế TNLĐ
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), mặc dù đã có những hành động thiết thực như tuyên truyền, thanh kiểm tra và tập huấn phòng chống nhưng số vụ TNLĐ vẫn xảy ra. Năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 474 vụ TNLĐ làm 483 người bị nạn. Các nghề, lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người là sản xuất, kinh doanh, xây dựng, vận tải.
Qua phân tích điều tra các vụ TNLÐ, nguyên nhân chủ yếu do quá trình tổ chức lao động sản xuất chưa hợp lý; DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến việc huấn luyện ATVSLÐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ; thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, điều kiện làm việc chưa bảo đảm an toàn. NLĐ còn chủ quan, vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Đồng thời do lực lượng thanh tra còn quá mỏng và phải đảm trách nhiều nhiệm vụ nên không thể kiểm soát để xử lý kịp thời các hành vi sai phạm về lĩnh vực ATVSLĐ.
Để hạn chế TNLĐ, toàn tỉnh đang tập trung nhiều biện pháp nhằm đưa Luật ATVSLĐ vào thực tiễn cuộc sống để DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, NLĐ tuân thủ các biện pháp làm việc an toàn. Bên cạnh đó, Sở LĐ- TB&XH đã lập nhiều đoàn tiến hành kiểm tra về ATVSLÐ tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công tác thanh tra tập trung vào các đơn vị đã xảy ra TNLĐ, DN có ý thức kém về ATVSLĐ-PCCN và DN hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao về ATVSLĐ-PCCN.
Theo ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, giảm thiểu TNLĐ, cả DN, NLĐ và các đơn vị quản lý phải cùng chung tay thực hiện Luật ATVSLĐ. Về phía ngành LĐ- TB&XH sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác ATVSLĐ-PCCN. Phối hợp với DN huấn luyện ATVSLĐ-PCCN nhằm bảo đảm mọi lao động đều được trang bị kiến thức; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các DN, khuyến khích các DN tự kiểm tra phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các DN cố tình vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Thăm, tặng quà cho các nạn nhân bị TNLĐ, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn, thiệt thòi của NLĐ. Ông cũng đề nghị các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa đến nạn nhân bị TNLĐ, tạo mọi điều kiện vật chất để họ ổn định cuộc sống. Đối với những trường hợp còn có khả năng lao động cần đào tạo nghề phù hợp, giới thiệu việc làm để họ có thể lao động, nuôi sống bản thân không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đây cũng là cách làm giúp họ vượt qua mặc cảm, đồng thời thể hiện sự tri ân của tỉnh đối với lực lượng lao động đã cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng Bình Dương thêm giàu đẹp.
THIÊN LÝ