Đoàn kết vượt khó, bảo đảm tăng trưởng- Kỳ 1

Cập nhật: 28-12-2020 | 08:21:58

Kỳ 1: Đi lên trong khó khăn

Năm 2020 với hàng loạt khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid-19, Bình Dương vừa chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh, vừa có hướng đi riêng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với những con số ấn tượng. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, tỉnh đã vượt khó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 6,91%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước.

Triển khai giải pháp phù hợp

Năm 2020, Bình Dương thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với những mục tiêu đề ra rất cao. Tuy nhiên, suốt một năm, do đại dịch Covid-19 nên xuất hiện những khó khăn chưa từng có, ngoài dự đoán. Mặc dù vậy, bằng nội lực của chính mình, Bình Dương đã từng bước vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, Bình Dương đã giữ địa bàn luôn an toàn, ổn định và phát triển, kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thái Bình

Trước thực trạng đó, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng báo cáo kịch bản đánh giá tác động của dịch bệnh tới tình hình KT-XH, đề xuất giải pháp thực hiện với mục tiêu duy trì, khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Trên cơ sở đó tổ chức thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sát với tình hình của địa phương, đề xuất các giải pháp trong trường hợp cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN), ngành nghề gặp phải, bên cạnh việc tập trung chống dịch bệnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, DN trong tỉnh có những sách lược để ứng phó, bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch bệnh, vừa ổn định nền kinh tế. Điều đó được cụ thể hóa bằng các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý; các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hạ chi phí logistics và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh đã tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN; tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh; thúc đẩy sản xuất đối với các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh, khẩn trương giải ngân cho các dự án có đủ điều kiện; triển khai có hiệu quả nhóm các giải pháp về tài chính, tín dụng ngân hàng và thuế. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì và phát triển sản xuất; duy trì lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ổn định thị trường cung, cầu hàng hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hoàn thành những mục tiêu lớn

Với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, Bình Dương đã giữ địa bàn luôn an toàn, ổn định và phát triển; tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước. Dấu ấn quan trọng trong năm 2020 là đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025; Thuận An và Dĩ An chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy, cùng với TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương có 3 thành phố.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm, phát triển đô thị - dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực cả trong và ngoài ngân sách được tập trung đôn đốc. Một số dự án lớn được khởi công như: Dự án đường dẫn cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai nối 2 xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) với xã Lợi Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư gần 143 tỷ đồng; dự án xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đoạn từ thị trấn Tân Thành đến cầu Tam Lập (huyện Phú Giáo) có tổng mức đầu tư gần 725 tỷ đồng; dự án xây dựng đường và cầu kết nối 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung và hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh nói riêng.

Với quyết tâm cao cùng những giải pháp kịp thời, phù hợp, năm 2020, trong khi nhiều tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm, thì Bình Dương vẫn đạt mức tăng 6,91%, thuộc nhóm những tỉnh, thành có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị nông nghiệp một cách hợp lý. Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2020 tăng 8,02% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 27,4 tỷ USD (tăng 8,5%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 21,4 tỷ USD (tăng 7,5%); thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 60.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019, đạt 97% dự toán HĐND tỉnh.

Với việc chủ động, tích cực, luôn cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, tạo ra địa bàn an toàn, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm về phát triển KT-XH, Bình Dương đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 trên mọi lĩnh vực, qua đó tạo tiền đề vững chắc, lực đẩy cho năm 2021 và những năm tiếp theo. (Còn tiếp)

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, khiến cho KT-XH của Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức. Song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, nỗ lực của cộng đồng DN và người dân, Bình Dương đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và triển khai song hành các giải pháp tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, trước các “cơn sóng” do Covid-19 tác động, trong năm 2020, kinh tế của Bình Dương vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,91%; GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng; cơ cấu kinh tế với công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng 88,92%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,02% so năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 12,3%; xuất khẩu ước đạt hơn 27,44 tỷ USD, tăng 8,5%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 21,47 tỷ USD, thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 60.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019, đạt 97% dự toán HĐND tỉnh.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên