Trong vòng hơn 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì liên tiếp hai hội nghị cùng một chủ đề: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Rõ ràng, công tác đầu tư công có nhiều vấn đề cần giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đồng vốn, phát huy hiệu quả, thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Hơn 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân được là con số báo cáo chính thức đưa ra từ hội nghị trong tháng 7 vừa qua. Con số đó là thực sự lớn, sự chậm trễ trong giải ngân liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, là trách nhiệm chung của cả hệ thống. Tại hội nghị vừa diễn ra cuối tuần qua, theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31-7 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao. Ước giải ngân đến 31-8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
“ Không thể để tình trạng có tiền mà không tiêu được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von về việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân, phát huy đồng vốn một cách hiệu quả. “Phải tìm cho ra được nguyên nhân chủ quan là chính chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo phân tích của các chuyên gia, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần cho tăng trưởng. Tổng cục Thống kê phân tích, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Từ đó, có thể thấy nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có tác động tích cực, trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phải giải ngân hết số vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm theo kế hoạch phân bổ. Bộ ngành, địa phương nào không có kế hoạch giải ngân hết sẽ bị điều chuyển vốn, bên cạnh xem xét trách nhiệm, giải quyết rốt ráo các khó khăn bằng tinh thần quyết liệt nhất. Sự chỉ đạo của Thủ tướng trong hơn 1 tháng qua đã mang lại hiệu quả bước đầu với tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước đã tăng lên đáng kể. Kỳ vọng những giải pháp quyết liệt đã và đang triển khai từ bộ ngành, địa phương, vốn đầu tư công sẽ giải ngân nhanh, phát huy hiệu quả, trở thành “đòn bẩy” hữu hiệu thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển
TRIỆU PHONG