Gặp người chiến sĩ 65 năm tuổi Đảng

Cập nhật: 05-02-2013 | 00:00:00

Một lòng theo cách mạng

Năm chưa đầy 20 tuổi, ông Lê Văn Cược theo tiếng gọi của đất nước bị giặc ngoại xâm, đã gia nhập thanh niên tiền phong tham gia canh gác xóm ấp, đóng góp nuôi quân, sau đó được giao giữ chức Trưởng ban cán sự thanh niên ấp Đông Thành và được giới thiệu vào Đảng năm 1948. Năm 1949, ông tích cực tham gia công tác vận động, liên lạc từ xã Tam Bình, huyện Thủ Đức đến Bắc Minh, Suối Đĩa, Trảng Bom. Năm 1958, do bị 2 tên gián điệp chỉ giới mà ông đã rơi vào tay giặc. 2 năm ở trong nhà tù địch (trại Phú Lợi) đã không làm thui chột ý chí của một người cách mạng. Đến năm 1960 được tha về ông vẫn tiếp tục hoạt động mãi đến năm 1970 thì bị bắt lần 2 và bị đày khổ sai ra Côn Đảo.  

 Ông Lê Văn Cược hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của mình đấu tranh vì độc lập tự do dân tộc

Ông kể về những lần đấu tranh, biểu tình chống Mỹ ngụy ủi đất phá rừng, rải thuốc khai hoang phá hoại hoa màu, cây cối. Lúc bấy giờ bà con trong xã dưới sự hướng dẫn của các đảng viên mật chia thành nhiều toán nhỏ, luân phiên nhau đưa yêu sách, làm đơn kê khai thiệt hại, khiến cho bọn ngụy quyền hết sức bị động, lúng túng. Đặc biệt, phong trào vùng lên phá ấp chiến lược, ông Cược cùng với du kích xã và tổ thanh niên nòng cốt nhổ cọc sắt, cắt hàng rào, từng bước vô hiệu hóa bố phòng ngự của địch. Rồi đến lần được phân công bố trí an ninh tại 2 ấp Đông Thành và Đông An (Tân Đông Hiệp) vận động quần chúng tại đây phá thế kìm kẹp của Mỹ ngụy. Đêm 26-10-1965, lực lượng ta đã bắn chết tên Khôi là Đại đội phó ấp Đông Chiêu, thu được nhiều súng đạn. Sang năm 1966, ông đào hầm che giấu cán bộ huyện để bám trụ trực tiếp chỉ đạo. Do địch rình rập nên ông phải đào hầm trong nhà để bảo vệ cán bộ trong suốt 2 năm. Trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông đã tham gia việc lập bộ máy chính quyền của ta để chuẩn bị cướp chính quyền địch. Khi ấy trong nhà ông Cược cất giữ nhiều quân trang và 1 tấn gạo sẵn sàng cho cách mạng.

Trui rèn ý chí cách mạng tại Nhà tù Côn Đảo

Ngày 2-9-1970, do bị phản bội nên ông Cược cùng với ông Lê Văn Khải bị địch bắt đưa về khám đường C3 Biên Hòa. Bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, quyết giữ khí tiết của người cộng sản. Năm 1971, chúng đày ông đi Côn Đảo. Đôi mắt nhìn xa xa, ông Cược kể lại: “Chiếc tàu chở tù binh cập bến Đầm, tay chân không bị xiềng xích nhưng chúng cho nhốt chung vào nhà lao và bắt đầu nếm mùi khổ sai của Côn Đảo. Hôm mới lên đảo, bọn cai ngục đã thị uy bằng một trận đòn với báng súng, dùi cui mây, roi song bịt đồng. Trận đòn kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, các đồng chí không người nào là không chảy máu, mình mẩy thâm tím”.

Ở tù Côn Đảo, ông Cược bị chúng giam trong chuồng cọp và ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh cửa tù ở chuồng cọp đen ngòm, trăm cái như một. “Một ngày 4 lần ra lấy cơm, lấy nước, đổ thùng tiêu, chúng đánh cả 4 lần. Mỗi gian chuồng cọp chúng nhốt từ 5 đến 6 người, anh em chia nhau mỗi người ra lấy một ngày. Ra một ngày, về ốm mấy ngày. Vừa hồi sức lại đến phiên ra, lại bị đánh và nằm liệt mấy ngày. Cơm, nước cho người tù chúng đặt tận đầu nhà. Từ gian người tù bị nhốt đến đó cách một quãng dài. Khi lấy cơm người tù phải cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh, không được nhìn lên cũng không được nhìn ngang, nhìn ngửa. Tên cai tù thường nấp ở mép cửa hoặc sau cột hiên chờ tù chạy qua, thình lình nhảy vọt ra thúc đầu gối vào đầu tù. Lúc ấy nếu người tù nào bị hốt hoảng thì chúng sẽ đánh cho què quặt”. Có lần ông Cược bị tên cai ngục tra tấn bằng cây ba trắc, đánh vào ống quyển. Trận roi cây ba trắc không làm tinh thần người tù cộng sản lung lay, tên cai ngục càng hung tợn dìm ông Cược vào thùng phi nước, dùng gậy đánh tới tấp cho đến khi người tù bị nổ lỗ tai, không còn nghe được chúng mới dừng lại. Không những thế chúng còn đổ nước lạnh, rắc vôi bột xuống làm cho người tù bị ghẻ, lở. Để uy hiếp tinh thần của ông, thậm chí bọn cai tù còn đem nhốt ông dưới chuồng bò, đổ phân bò tới tận ngực của người tù. Hàng trăm, hàng ngàn người tù lúc ấy đều giống nhau như một: hốc hác, hom hem, gầy gò, râu tóc bờm xờm, nước da tái nhợt. Nhưng bạo lực không thể hủy diệt được tinh thần cách mạng, không thể thắng được trái tim người chiến sĩ. Hơn ở đâu hết, cuộc sống ở chuồng cọp, chuồng bò đã dạy cho ông thấy tinh thần anh dũng của dân tộc. Hàng ngàn đồng chí và đồng bào yêu nước đã sống rất anh dũng và chết rất vẻ vang, họ không hề do dự hiến dâng thân mình cho cách mạng để đổi lấy nền hòa bình của dân tộc.

Ngày nay, đất nước hòa bình ngày càng thay da đổi thịt, ông Cược rất tự hào trước sự hy sinh anh dũng của các đồng chí đồng đội mình cho nền độc lập dân tộc. Ông mong rằng thế hệ trẻ hôm nay cần cố gắng học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

 KIM HÀ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên