Giá mủ cao su xuống thấp, nông dân vẫn đặt niềm tin…

Cập nhật: 08-01-2014 | 00:00:00

Người trồng cao su (CS) ở Bình Dương đã trải qua một năm đầy khó khăn khi giá xuống thấp, thời tiết bất thường, dịch bệnh rình rập. Sau thời gian khá dài với nhiều thuận lợi, người trồng CS mới gặp phải một mùa vụ “bết bát” như mùa vụ vừa qua. Tuy nhiên, niềm tin với cây CS vẫn hiện diện rất rõ ràng, cây CS vẫn còn có chỗ đứng vững vàng trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Bình Dương là địa phương có diện tích trồng CS đứng hàng thứ 2 cả nước (sau Bình Phước) với khoảng trên 130.000 ha, trong đó CS tiểu điền có diện tích trên 80.000 ha. Với nhiều địa phương của Bình Dương, CS là cây trồng chủ lực, rất khó để thay thế. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cây CS đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người và đóng góp một phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn nông thôn. Thời điểm này, khi cây CS bắt đầu thay lá hàng loạt, một mùa vụ khó khăn cũng đang dần trôi qua. Theo nhận định của người trồng CS, mùa cạo năm nay sẽ kết thúc trước tết chứ không còn kéo dài như những năm trước. Lý do lớn nhất là giá mủ thấp, nếu có kéo dài thời gian khai thác thì chẳng thu được thêm bao nhiêu.

Thu mua mủ cao su tiểu điền tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa

Trong năm 2013 vừa qua, giá mua mủ CS tại Bình Dương đứng ở mức thấp. Trong giai đoạn đầu mùa khai thác, giá mủ duy trì ở mức gần 600 đồng/độ. Từ giữa mùa khai thác đến nay, giá xuống thấp dần. Từ mức 600 đồng xuống 500 đồng và đến nay chỉ còn ở mức từ 380 - 400 đồng/độ. Trong lĩnh vực xuất khẩu CS, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, nguồn cung quá lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ hạn chế nhiều đã khiến giá bán CS năm 2013 chỉ bằng khoảng 75% so với năm 2012 và hơn 50% so với năm 2011. Hệ quả là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp CS và tiền lương của công nhân viên lao động đều giảm theo; thu nhập của người trồng CS tiểu điền cũng đã giảm đi nhiều. Với người trồng CS tiểu điền, nếu hộ gia đình nào tận dụng được công lao động trong gia đình để khai thác thì sẽ giảm được chi phí sản xuất và sẽ có nguồn thu cao hơn so với những hộ gia đình phải thuê nhân công khai thác.

Giá CS dù có giảm nhưng giá nhân công khai thác không thể giảm. Ông Nguyễn Văn Hoàng, hộ trồng CS tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết: “Giá mủ thấp đã khiến cho những người trồng CS tiểu điền gặp nhiều khó khăn. Gia đình nào phải thuê nhân công cạo, sau khi trừ hết chi phí, thu nhập còn lại cũng chẳng bao nhiêu”. Tuy nhiên có thể thấy, tuy giá mủ có xuống thấp nhưng với mức giá như hiện nay người trồng CS nếu cân đối sản xuất hợp lý vẫn bảo đảm có thu nhập. Nguồn thu nhập từ cây CS vẫn còn cao hơn khá nhiều so với các loại cây trồng khác.

Trước tình hình giá mủ đang xuống thấp, nhiều người trồng CS tiểu điền đã nhanh chóng thanh lý vườn cây nhằm thực hiện tái canh vườn và để đón đầu đợt tăng giá mới trong những năm sau. Ngay từ cuối năm 2012, hộ ông Đinh Văn Quyền, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo đã tiến hành thanh lý vườn cây hơn 2 ha của mình mặc dù vườn cây của ông vẫn còn có khả năng cho khai thác thêm 2 - 3 năm nữa. Ông Quyền cho biết: “Vườn cây của tôi tuy già cỗi nhưng vẫn còn có khả năng khai thác và cho lượng mủ tương đối. Lý do để tôi thanh lý vườn cây là do giá mủ xuống thấp, không bảo đảm nguồn thu như mong muốn, hơn nữa vườn cây của tôi cũng không đồng nhất về giống. Chính vì vậy, tôi mạnh dạn thanh lý để chuyển sang trồng giống khác để đón đợt giá mới trong vòng 5 - 6 năm tới”.

Theo dự đoán của nhiều người, trong năm 2014 tình hình sản xuất cây CS vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Người trồng CS sẽ vẫn phải tiếp tục đối diện với thực tế là giá mua mủ sẽ ở mức thấp, tình hình thời tiết, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CS Phước Hòa, cho biết: “Giá CS trong năm 2014 có khả năng sẽ thấp hơn năm 2013, giá bán chỉ duy trì ở mức 48 - 50 triệu đồng/tấn. Giá mua tại vườn CS tiểu điền sẽ ở mức 380 - 400 đồng/độ”. Ông Tân cho rằng, mức giá đó sẽ tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp CS trong việc bảo đảm tăng trưởng cũng như tiền lương, thưởng cho người lao động. Hiện tại, Công ty Cổ phần CS Phước Hòa đang tiến hành thanh lý vườn cây già cỗi, tiến hành tái canh để đón đầu đợt tăng giá mới trong thời gian tới, chú ý mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng để bảo đảm nguồn thu.

Tại các địa phương, sau khi thanh lý vườn cây, hầu hết diện tích đã được trồng mới. Điều này cho thấy niềm tin vào cây CS của nông dân Bình Dương vẫn rất lớn. Cây CS vẫn được nhiều người lựa chọn là cây trồng chủ lực với hy vọng trong thời gian không xa giá mủ sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim như trong các năm 2010-2011.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên