Giải pháp “ao nhà” của ngành gốm sứ

Cập nhật: 18-06-2012 | 00:00:00

Những năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành gốm sứ Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 1,5%/năm. Từ năm 2011 đến nay, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, KNXK ngành gốm sứ giảm còn khoảng 100 triệu USD/năm. Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương (Bicera), do gặp quá nhiều khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra, ngành gốm sứ đang rơi vào tình trạng ảm đạm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Sản xuất kinh doanh: “Chợ chiều”!

Khó khăn của ngành gốm sứ là do giá tăng gần như đồng loạt của tất cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Về nhiên liệu gas, tháng 5 vừa qua giá có giảm xuống xấp xỉ 1,080 USD/tấn (giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng vẫn còn cao so với tình hình suy thoái kinh tế hiện nay; giá kaolin thô hiện cũng đã tăng 25% so với cuối năm 2011; bột màu vàng tăng 27%, bột màu trắng Đài Loan tăng tới 40%... Thêm vào đó, do cuộc khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu vẫn chưa được giải quyết, nên tình hình xuất khẩu mặt hàng gốm sứ vẫn gặp nhiều khó khăn, giảm cả đơn hàng và giá cả. Về số lượng hợp đồng xuất khẩu, so với cùng kỳ năm ngoái, đơn đặt hàng sụt giảm khoảng 20 - 30%. 

 Đa dạng sản phẩm gốm sứ được trưng bày tại các cửa hàng ven quốc lộ 13 đoạn qua TX.Thuận An

DN không chỉ xoay xở với sự biến động về giá cả đầu vào, đầu ra của thị trường, mà còn phải chấp hành sự thay đổi của các chính sách như tăng lương cho công nhân, tăng thuế đất theo sự thay đổi địa giới hành chính. Kể từ tháng 7-2011, do huyện Thuận An được công nhận là thị xã nên DN phải điều chỉnh mức lương cơ bản theo vùng từ 1,2  triệu đồng lên 1,3 triệu đồng. Đến tháng 10-2011, theo quy định của Chính phủ, DN phải tăng lương cơ bản thêm một lần nữa lên mức 2 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng DN phải điều chỉnh tăng lương công nhân đến 2 lần. Tuy lương tăng, nhưng nguồn nhân lực của các DN gốm sứ vẫn không mấy ổn định, tình trạng “nhảy việc” vẫn còn, trung bình các DN thiếu hụt khoảng 15 - 20%, chủ yếu là lao động có tay nghề.

Thêm một khó khăn nữa là khi xã, huyện được nâng lên thành phường, thị xã kéo theo tình trạng tăng giá thuê đất. Cụ thể, khi Thuận An lên thị xã, khung giá thuê đất mới bình quân tăng hơn hai lần từ 1.547 đồng/m2/năm lên 4.970 đồng/m2/năm. Đây là khoản chi phí tăng thêm đáng kể, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

Chi phí đầu vào tăng, trong khi giá thành phẩm đầu ra liên tục giảm. Chính vì vậy mà một số DN đã “lỡ” ký các hợp đồng theo mức giá cũ “kêu trời không thấu”, phải sản xuất trong tình trạng bất an bởi cầm chắc thua lỗ. Đối với các DN và cơ sở có quy mô nhỏ, yếu vốn không thể bù lỗ để duy trì sản xuất buộc phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất, mà không biết tương lai có thể phục hồi lại được hay không! Số khác thì hoạt động cầm chừng với các mặt hàng truyền thống phục vụ nội địa nhằm nuôi quân chờ thời cơ.

Giải pháp để phát triển: “Ao nhà”

Theo nhận định của BICERA, đây là thời điểm khó khăn nhất mà các DN gốm sứ xuất khẩu đang phải đối mặt trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước tình hình này, một số DN gốm sứ đã tự tìm lối đi riêng. Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Minh Long 1, cho biết: “Chúng tôi giảm giá bán một số mã hàng như chén, tô, dĩa, bộ bình trà... cho các nhà hàng, khách sạn để đẩy mạnh kênh tiêu thụ trong nước. Kết quả là cả khách hàng và DN đều rất phấn khởi, bởi khách hàng thì có thể mua sắm được sản phẩm đẹp, chất lượng tốt để sử dụng; còn phía DN thì có tiền để trả lương công nhân”. Tương tự, ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, chia sẻ: “Trước khó khăn giá cả đầu vào tăng, đầu ra giảm chúng tôi phải thu hẹp sản xuất, nghiên cứu các phân khúc thị trường trong nước để sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, tập trung chủ yếu cho các dòng sản phẩm mà người dân trong nước đang cần”.

 Sản xuất chậu bông phục vụ nhu cầu thị trường nội địa 

Trước tình hình khó khăn của các DN, tuy mới được chính thức thành lập từ đầu năm 2010, nhưng Bicera cũng đã nhanh chóng vào cuộc nhằm giúp đỡ DN trong ngành vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Bicera đã tích cực phối hợp với Ban tổ chức Festival Gốm sứ tổ chức thành công sự kiện này tại Bình Dương. Theo Bicera, trong thời gian tới Bicera sẽ tạo cơ hội để DN trong ngành tiếp cận với thị trường trong nước bằng các hoạt động hội chợ, hội thảo, hình thành các khu trung tâm để trưng bày và giới thiệu sản phẩm gốm sứ; xây dựng siêu thị cho ngành gốm sứ và từng bước xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm cho các thị trường lớn ở nước ngoài để vực dậy xuất khẩu.

Hiện tại, trước tình hình xuất khẩu khó khăn, Bicera cũng đã khuyến cáo DN trong ngành tập trung nguồn lực, thế mạnh của từng DN để khai thác triệt để thị trường nội địa nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, chờ thời cơ. Và đây là một giải pháp được nhiều DN trong ngành gốm sứ lựa chọn trong giai đoạn xuất khẩu rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

Theo Bicera, toàn ngành hiện có 218 cơ sở, DN, tập trung chủ yếu ở TX.Thuận An, huyện Tân Uyên và Bến Cát, thu hút khoảng 11.000 lao động. Các thương hiệu nổi tiếng của ngành gốm sứ Bình Dương là Minh Long, Cường Phát, Minh Phát, Tân Toàn Phát, Minh Phương, Phước Dũ Long, Kim Phát... Các thương hiệu gốm sứ nói trên đã tiếp cận được với thị trường nhiều nước trên thế giới, như: Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Tân Tây Lan, Brasil, Ukraine, Đài Loan, Mexico, Trung Đông... và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu, cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1031
Quay lên trên