Hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển

Cập nhật: 30-07-2012 | 00:00:00

Thành công của Bình Dương trên lĩnh vực phát triển công nghiệp có sự đóng góp quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) đồng bộ. Từ sự linh động của tỉnh nhà trong việc phát huy mọi nguồn lực cho HTGT đã tạo ra lực thu hút các nhà đầu tư, làm đòn bẩy để phát triển công nghiệp. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương có hệ thống HTGT khá hoàn chỉnh, kết nối thuận lợi với toàn vùng và được đánh giá đứng hàng đầu của cả nước... Quốc lộ 13 tạo diện mạo cho đô thị phát triển và tạo lực thu hút đầu tư

Nhằm tạo động lực phát triển toàn diện theo hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, hiện UBND tỉnh đã giao Becamex IDC nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết dự án đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) trên cao bằng cầu vượt hiện đại, được xây dựng ngay trên tuyến đường hiện hữu. Việc đầu tư xây dựng đường quốc lộ 13 trên cao sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và không ngừng của Bình Dương. Dự án này không những góp phần to lớn cho việc phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi diện mạo của tỉnh trong thời gian tới, điều này thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của tỉnh trong giai đoạn mới, đưa Bình Dương trở thành thành phố loại I theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Góp phần thu hút đầu tư

Làm nên bức tranh xán lạn của Bình Dương trên bản đồ công nghiệp Việt Nam, có thể nói vai trò của HTGT không nhỏ. Từ chủ trương thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông tạo môi trường thu hút đầu tư, Bình Dương đã kiến tạo những con đường mang tính đột phá làm đòn bẩy. Trong đó đi đầu là tuyến đường quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương). Hơn 10 năm đi vào hoạt động, quốc lộ 13 đã tạo thuận lợi cho các KCN VSIP I và KCN Đồng An I ở TX.Thuận An thu hút đầu tư nhanh. Cụ thể, KCN VSIP I được xây dựng từ năm 1996 với quy mô 500 ha, qua hơn 15 năm phát triển đã thu hút hơn 240 nhà đầu tư quốc tế đến từ nhiều quốc gia với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD và trở thành một trong những KCN kiểu mẫu của cả nước. Bên cạnh đó, KCN Đồng An cũng có kết quả khả quan, hiện đã thu hút 120 doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Hiệu quả rõ nét nhất mà tuyến đường quốc lộ 13 mang lại là góp phần hình thành chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh và chủ trương này đã được thực hiện hiệu quả. Huyện Bến Cát, nơi có quốc lộ 13 đi qua, hiện đã hình thành được nhiều KCN như Mỹ Phước và Bàu Bàng với quy mô bề thế, hiện đại. Hơn 10 năm đi vào hoạt động, các KCN này được xem là nơi đột phá nhất về thu hút đầu tư với hơn 420 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD. Cùng với quốc lộ 13, trên địa bàn Bến Cát còn có trục đường ĐT744. Nhờ có tuyến đường này mà các KCN Việt Hương 2, An Tây và Rạch Bắp được hình thành và đã hấp dẫn được các nhà đầu tư. Trong đó, KCN Việt Hương 2 đã thu hút 40 dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đăng ký 85 tỷ đồng và hơn 330 triệu USD...

Tại huyện Tân Uyên, nơi có các tuyến đường như ĐT746, ĐT747B và ĐT742... đi qua đã góp phần đưa công nghiệp về nông thôn. Tại đây, nhà máy của các công ty mọc lên ngày càng nhiều, nhất là tại các KCN Đất Cuốc và Nam Tân Uyên, góp phần đưa một huyện có nền kinh tế thuần nông như Tân Uyên thành huyện có kinh tế công nghiệp phát triển. Tại KCN Đất Cuốc, chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động đã thu hút được gần 30 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD và hơn 704 tỷ đồng. Sau 7 năm, KCN Nam Tân Uyên cũng thu hút được 88 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước và hiện đã có hơn 40 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho cả chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Một cách làm hay

“Trong điều kiện ngân sách có hạn, nhưng Bình Dương đã có cách làm hay là đã huy động được các nguồn lực cùng tham gia đầu tư phát triển HTGT, làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội”

(Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng)

Có thể nói, chỉ sau một thời gian diện mạo hệ thống HTGT Bình Dương đã có những đổi thay lớn. Minh chứng là các tuyến đường huyết mạch nối các thị trấn, thị tứ, các KCN trong toàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng làm cho diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp; các tuyến đường giao thông nông thôn cũng đã vươn đến tận các xóm, ấp xa xôi. Có được thành tích này là do tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, lãnh đạo tỉnh còn có chủ trương huy động nhiều nguồn vốn khác để đầu tư cho hệ thống HTGT như BT, BOT, vốn huy động trong các doanh nghiệp và các khu dân cư ở thành thị và nông thôn... Nhờ đó tổng chiều dài đường bộ được nâng lên đáng kể, nếu như năm 1997 cả tỉnh mới có 274,7km đường các loại thì nay đã tăng lên 7.244km đường các loại. Trong đó đường quốc lộ có 77,1km với tỷ lệ nhựa hóa 100%; đường tỉnh có 499,3km với tỷ lệ nhựa hóa hơn 98%; đường huyện gần 571km với tỷ lệ nhựa hóa gần 81%; đường đô thị hơn 785km với tỷ lệ nhựa hóa gần 95%...  Đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện thực hiện hơn 90% và hứa hẹn kết nối vùng thuận lợi

HTGT phát triển tạo sự thuận lợi để phát triển hạ tầng KCN tập trung làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Con số hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD đang hoạt động tại 28 KCN trên địa bàn tỉnh là sự minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này, góp phần đưa Bình Dương trở thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhất nước. Không dừng lại ở đó, để phục vụ cho sự phát triển trong giai đoạn tới, Bình Dương đã triển khai nhiều tuyến đường tạo lực mới, trong đó nổi bật là đường Mỹ Phước - Tân Vạn với vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng hiện đã thực hiện đạt 90%. Đây là tuyến đường xung yếu kết nối vùng được đầu tư theo hình thức BOT nhằm giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế. Bên cạnh đường Mỹ Phước - Tân Vạn, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm kích cầu cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn, nhất là tại các KCN đã và đang hình thành của huyện Tân Uyên, 3 tuyến đường ở Tân Uyên gồm tỉnh lộ ĐT746, tỉnh lộ ĐT747B và tỉnh lộ ĐT742 đã khởi công xây dựng vào năm 2010. Tổng vốn đầu tư xây dựng 3 tuyến đường này vào khoảng 4.000 tỷ đồng, với thời gian xây dựng dự kiến khoảng 4 năm. Tất cả những tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo thêm sức bật công nghiệp cho các địa phương mà đường đi qua.

Nhìn nhận về HTGT Bình Dương, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đánh giá cao hệ thống HTGT của Bình Dương đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả khu vực nói chung. Bộ trưởng đã biểu dương Bình Dương khi cho rằng, trong điều kiện ngân sách có hạn, Bình Dương đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển HTGT làm làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội là cách làm hay. Trong đó có quốc lộ 13, tuyến đường xung yếu dài hơn 140km nối TP.HCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên. Con đường này đã góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh.

Quốc lộ 13 là con đường tiên phong khi lần đầu tiên của cả nước mô hình quốc lộ được giao cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT. Đến nay, quốc lộ 13 đã hoàn thành sứ mệnh và từ thành công này đã giúp nhiều địa phương khác học tập kinh nghiệm và xây dựng được nhiều tuyến đường, góp phần nâng chất lượng của hệ thống giao thông trên cả nước, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

TRỌNG MINH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên