Chúng ta đều biết, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 mới đây, là văn kiện chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Hiến pháp đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định mạnh mẽ ý chí chủ quyền của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khẳng định nước CHXHCN Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Trước đó (chiều 29-11), phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành và như vậy, cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp này.
Hiến pháp sửa đổi đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đồng thời, Hiến pháp khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước; giao cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước.
Hiến pháp sửa đổi là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Ngày 1-1-2014, ngày có hiệu lực của Hiến pháp sắp tới, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó đã quy định Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp; kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết… nhằm bảo đảm Hiến pháp nhanh chóng đi vào cuộc sống.
VÕ HƯƠNG