Học nghề - Lựa chọn của nhiều học sinh

Cập nhật: 07-12-2018 | 08:58:41

Trong những năm gần đây, nhiều học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng vẫn lựa chọn cho mình hướng đi mới, đó là học nghề. Học nghề không chỉ mở ra cơ hội công việc tốt mà còn thỏa mãn niềm đam mê của các bạn trẻ.

Từ bỏ đại học trở về học nghề yêu thích

Thực tế hiện nay, tỷ lệ sinh viên học tại các trường đại học ra trường thất nghiệp và làm không đúng ngành nghề ngày càng cao. Vì thế, trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay, đại học không còn là lựa chọn ưu tiên. Đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương, chúng tôi tìm hiểu và thật bất ngờ một số sinh viên đã trúng tuyển vào trường đại học nhưng các em từ bỏ để tham gia học nghề. Em Lê Thế Trí, sinh viên lớp C18 công nghệ ô tô của trung tâm là một trong những điển hình. Trao đổi với chúng tôi, Trí cho biết các năm học THPT em học lực khá. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đã trúng tuyển vào một số trường đại học nhưng em quyết định chọn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương để theo học. Theo Trí, đại học hay cao đẳng đều là môi trường học tập và rèn luyện rất tốt. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ kỹ, em quyết định học tại trung tâm bởi vì trong môi trường học nghề sẽ phù hợp với em hơn, thời gian học tập hợp lý để em có thể kiếm việc làm thêm và cọ xát được với cuộc sống thực tế bên ngoài. “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương có đội ngũ giáo viên xuất sắc cùng với đó là những trang thiết bị tiên tiến hiện đại. Một môi trường đào tạo tốt, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của em thì sau khi tốt nghiệp em sẽ không lo về vấn đề việc làm. Nhà trường sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm ngay cả khi đang còn học. Đây là một môi trường học tập và rèn luyện rất tốt”, Trí cho biết.

Nhân viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương tư vấn tuyển sinh và hướng dẫn thủ tục nhập học cho học sinh năm học 2018-2019

Với Ngạc Thị Thùy Nhung (quê Đăk Lăk), em học giỏi trong những năm học THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT em đăng ký xét tuyển đậu vào 2 trường đại học, nhưng em quyết định về Bình Dương để theo học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương, ngành quản trị nhà hàng. “Hiện nay, sinh viên một số trường đại học tốt nghiệp ra trường tỷ lệ thất nghiệp rất cao trong khi học nghề dễ xin việc hơn. Chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường mang tính chất thực tiễn và khi dạy giáo viên sẽ dạy cho sinh viên đến khi làm được, nhớ được thì thôi, chứ không phải chỉ dạy lý thuyết. Khi học tập tại trường, em học được nhiều kỹ năng mềm, cũng như kỹ năng thực hành để phục vụ cho công việc sau này. Với năng lực học tập của mình, hy vọng sau khi tốt nghiệp em sẽ có được một công việc ổn định, thu nhập cao, đúng với ngành mình đã lựa chọn”, Nhung cho biết.

Yêu thích công nghệ và đam mê với kỹ thuật, em Đặng Gia Huy thi vào một trường đại học quốc tế có tiếng trong khu vực, nhưng sau 2 năm học tập tại trường, em đã quyết định kết thúc khóa học và chọn đi học nghề công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương. Huy chia sẻ: “Em xem tin tức thấy mỗi năm có đến hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng nhưng số lượng sinh viên có thể tìm kiếm được công việc phù hợp cho mình còn ít. Thực tế thì rất nhiều người mà em quen biết mặc dù đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành đã học với mức lương rất thấp. Khoảng thời gian 2 năm học đại học của em đa phần là lý thuyết, với lượng kiến thức rất rộng, nhưng lại ít thực hành nên em quyết định nghỉ học tại trường và theo học nghề”. Huy cho biết thêm: “Em quyết định theo học nghề vì chi phí học một khóa học nghề cũng không cao chỉ gần 8 triệu đồng/năm; thời gian học không quá dài, chỉ từ 2 - 2,5 năm là em đã có thể đi làm thêm để có tiền lo cho bản thân. Lương khởi điểm của nhân viên kỹ thuật cũng khá cao”. Với suy nghĩ trở thành một người thợ giỏi tay nghề vẫn tốt hơn là một kỹ sư giỏi lý thuyết nhưng không thể thực hành, Huy đã quyết định chọn học nghề tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương.

Sau khi trò chuyện với Huy, theo chân thầy Trần Quang Thạch, giáo viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đến lớp cắt gọt kim loại, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh đang chăm chú, tập trung thực hành trên máy phay CNC. Cuộc trò chuyện ngắn với em Trần Ngọc Tài, lớp trưởng lớp cắt gọt kim loại, Tài cho biết: “Trước khi theo học tại trường, em đã có trong tay tấm bằng cao đẳng sư phạm toán. Tuy nhiên, ra trường một thời gian, sau khi chật vật xin việc không thành, em đã quyết định tìm ngã rẽ mới cho mình. Em chọn nghề cơ khí, cắt gọt kim loại một phần vì yêu thích, phần vì sau khi tìm hiểu các kênh thông tin, biết được nhu cầu của cách doanh nghiệp về nghề này là rất lớn”.

Nhiều cơ hội việc làm sau khi học nghề

Năm 2018 tiếp tục là năm đánh dấu sự thay đổi rõ rệt của mảng học nghề. Cơ hội việc làm rộng mở, không chỉ bậc phụ huynh mà các bạn trẻ cũng đang nhận thấy những lợi thế nổi bật khi học nghề để phát huy đúng sở thích, đam mê và sở trường, dễ xin việc làm với mức thu nhập khá cao. Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương, cho biết dạy nghề đã có sự chuyển biến rất tích cực từ đào tạo nghề đơn thuần chuyển sang đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, khi Nhà nước thống nhất dạy nghề ở các trường từ cấp độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề về một đầu mối quản lý nhà nước và đổi tên gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để chuẩn bị cho sự phát triển thành phố thông minh Bình Dương tương lai, trong những năm gần đây, trung tâm đã ký hợp tác với gần 500 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc (Kiên Giang). Đặc biệt hơn là được sự ủng hộ của hơn 500 doanh nghiệp trẻ trong Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, năm 2018 trung tâm đã tổ chức lễ ký kết trực tiếp hợp đồng ghi nhớ về tuyển dụng lao động với 10 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ những việc làm cụ thể cho thấy, trung tâm đã và đang đi tiên phong trong công tác giáo dục nghề nghiệp gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội. Từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã ký cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và kết quả đạt được gần 98% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, cho nên 2 năm gần đây trung tâm đã thu hút được rất nhiều học sinh khá, giỏi vào học nghề. Theo thống kê của trung tâm gần đây thì có 32% học sinh khá, giỏi tham gia học nghề tại trung tâm.

Trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh Bình Dương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được đầu tư xây mới khá khang trang, bảo đảm cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của học sinh, sinh viên trong nhà trường. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động định hướng nghề nghiệp, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng như nâng cao chất lượng đào tạo… tạo ra thế mạnh thu hút người học. Một số cơ sở khác thực hiện ký kết giữa doanh nghiệp với nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực và tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm đúng theo chuyên ngành đào tạo. Nhờ vậy, hàng năm có khoảng 95% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm được việc làm ổn định.

Với thời gian học ngắn, chi phí đào tạo nghề thấp cùng với thực tế nhu cầu tuyển dụng tay nghề kỹ thuật cao của các doanh nghiệp trên thị trường lao động hiện nay thì lựa chọn học nghề là cánh cửa mở ra cơ hội lớn để các em học sinh, sinh viên có thể tìm kiếm công việc phù hợp cho mình.

 “Công tác giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng) được Đảng, Nhà nước tập trung quan tâm thực hiện nhiều chính sách mới ưu tiên phát triển dạy nghề. Do đó, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây tương đối thuận lợi. Chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tìm được việc làm với mức lương khá hấp dẫn”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

T.D    

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=670
Quay lên trên