Huyện Bắc Tân Uyên: Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 23-12-2020 | 07:47:26

Trong 10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Tân Uyên bế giảng lớp nghề cắm hoa cho LĐNT

 Đào tạo gắn với giải quyết việc làm

Từ năm 2014 đến 2019, huyện Bắc Tân Uyên đã tổ chức đào tạo, tư vấn đào tạo nghề cho 1.142 LĐNT. Các ngành nghề đào tạo, như: May gia dụng, lái xe nâng hàng, thiết kế, tạo mẫu tóc, trồng rau an toàn... Sau khi hoàn thành khóa học, hầu hết học viên có được việc làm tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở xã Tân Lập, cho biết trước đây chị chỉ biết làm nông, thời gian nông nhàn đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Được cán bộ địa phương vận động, chị tham gia khóa học nghề cắm hoa. Có nghề trong tay, chị mở cửa hàng kinh doanh hoa. Đến nay thu nhập của chị mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống gia đình chị đã ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Huỳnh Lê, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, UBND huyện ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 (BCĐ “Đề án 1956”). Ngay từ khi thành lập, BCĐ “Đề án 1956” huyện Bắc Tân Uyên đã quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của UBND huyện”. Tính đến nay, có 10/10 xã, thị trấn đã thành lập BCĐ thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT cấp xã.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với trường Trung cấp Nghề Tân Uyên, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương, Trường Trung cấp nông lâm nghiệp Bình Dương, trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ, Công ty TNHH một thành viên thương mại - dịch vụ New Life lên kế hoạch cụ thể, trên cơ sở cân đối nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu thị trường lao động, điều kiện sản xuất của từng địa phương... từ đó đưa ra ngành nghề, thời gian, chỉ tiêu đào tạo hợp lý, đặc biệt gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Đối với nghề phi nông nghiệp, các đơn vị ưu tiên tổ chức các lớp dạy nghề gắn với tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2014-2019, có hơn 770 LĐNT được đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp.

Chủ động trong đào tạo nghề

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu việc làm và học nghề của lao động trên địa bàn huyện, hàng năm, UBND huyện cũng đã kịp thời chuyển đổi các lớp nghề theo nhu cầu thực tế của học viên trên địa bàn các xã, thị trấn. Cụ thể như vào năm 2017, UBND huyện chấp thuận chủ trương chuyển đổi 1 lớp nghề từ “may công nghiệp” sang lớp nghề “thiết kế, tạo mẫu tóc” tại xã Tân Định; chuyển đổi 1 lớp nghề từ “trồng và nhân giống nấm” sang lớp nghề “trồng bưởi theo công nghệ VietGAP” tại xã Lạc An; chấp thuận chủ trương chuyển đổi 1 lớp nghề từ “may gia dụng” sang lớp nghề “nấu ăn, đãi tiệc” tại xã Hiếu Liêm…

Ngoài ra, Thường trực BCĐ dạy nghề cho LĐNT huyện cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở BCĐ các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền tại địa phương, để cho mọi người dân nắm và hiểu rõ quan điểm, lợi ích của công tác đào tạo nghề, từ đó người dân tham gia nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. UBND huyện tổ chức, điều hành các hoạt động thường xuyên theo kế hoạch đề ra, chỉ đạo các ngành chuyên môn tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BCĐ thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Kinh tế xác định danh mục nghề đào tạo và nhu cầu học nghề phi nông nghiệp, nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn, phê duyệt danh mục nghề và tổ chức thực hiện kế hoạch; đồng thời thanh tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án trên địa bàn huyện và phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, các ngành có liên quan tổ chức thực hiện đề án đạt hiệu quả; giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi kết thúc khóa học nếu học viên có nhu cầu tìm việc làm.

Nhờ các hoạt động trên, sau đào tạo, ít nhất hơn 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng nâng cao hiệu quả lao động và có năng suất, thu nhập cao hơn.

 “Thời gian tới, huyện Bắc Tân Uyên sẽ tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung hỗ trợ LĐNT vay vốn sau học nghề để đầu tư sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt; hướng dẫn LĐNT hình thành các tổ, đội, nhóm sản xuất. Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường vai trò của hội, đoàn thể các cấp trong việc gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh của các cấp hội, đoàn thể...”.

(Bà Lê Huỳnh Lê, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Tân Uyên)

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=427
Quay lên trên