Là một địa bàn phát triển mạnh công nghiệp, thời gian qua huyện Bàu Bàng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý môi trường. Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) của huyện cần nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Hiện nay trên địa bàn huyện Bàu Bàng có khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng và KCN Tân Bình đã đi vào hoạt động. Trong đó, KCN Bàu Bàng đã tương đối lắp đầy với đa dạng ngành nghề. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất nằm ngoài KCN với các ngành nghề như: Chế biến mủ cao su, sản xuất giấy, găng tay, khẩu trang y tế… có nguồn thải lớn và khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, trước khi chia tách huyện, Bàu Bàng có ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ lực. Trước tốc độ phát triển như hiện nay của huyện với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 52,4%, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, áp lực về môi trường ngày càng cao.
Bà Đỗ Thị Khôi Nguyên, Trưởng phòng TN&MT huyện Bàu Bàng, cho biết: “Nghị định số 40/2019 NĐ/CP ngày 13-5- 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành, sửa đổi bổ sung của Nghị định 18, 19 và 38 của Chính phủ gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Đồng thời Nghị định 40 tại phụ lục 2 quy định một số ngành nghề phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, còn một số ngành nghề thực tế phát sinh chưa được quy định. Bên cạnh đó tại mục 107 của phụ lục này quy định còn chung chung, dễ gây nhầm lẫn và khó áp dụng, từ đó dẫn đến việc xác định đối tượng vi phạm không có hồ sơ về môi trường, rất khó khăn cho công tác thực hiện, dễ sai sót”.
Bà Nguyên cho biết thêm, hiện nay việc cấp xác nhận đăng ký bảng kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong KCN do Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện, việc quản lý danh sách, hậu kiểm không được triển khai thực hiện. Trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, còn nhiều hạn chế, việc kiểm tra chủ yếu được thực hiện khi có phản ánh, công tác kiểm tra định kỳ chưa được triển khai. Do đó việc nắm thông tin đối với công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở là không có. Đặc biệt là các doanh nghiệp thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm tháo gỡ và định hướng thực hiện trong thời gian tới, Phòng TN&MT huyện Bàu Bàng kiến nghị Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT bổ sung Nghị định số 40 một số nội dung chi tiết để việc triển khai thực hiện được thuận lợi, tránh tình trạng hiểu chưa đúng dẫn đến áp dụng sai. Công tác phối hợp cần được triển khai thường xuyên hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp nằm ngoài các KCN có nguồn thải lớn và có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
PHƯƠNG LÊ